Trong giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến nhu cầu vốn cho hai dự án thành phần thuộc Vành đai 2 là khoảng 13.639 tỉ đồng (tương đương 80%).

Trong văn bản mới nhất vừa gửi Sở Kế hoạch - Đầu tư, UBND TP.HCM thống nhất chủ trương bố trí vốn cho một số dự án dự kiến đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) mà Sở GTVT đề xuất trước đó.

TP.HCM bố trí hơn 13.000 tỉ đồng khép kín Vành đai 2 - ảnh 1

Cụ thể, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Lê Hòa Bình giao Sở Kế hoạch - Đầu tư khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát, cân đối nguồn vốn, đề xuất bố trí vốn cho 3 dự án, gồm: Dự án tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1; Hai đoạn thành phần thuộc công trình xây dựng đường Vành đai 2 - tương ứng với 2 dự án (đoạn từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội và đoạn từ Xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng).

Trong đó, Dự án tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1 có tổng vốn đầu tư 118 tỉ đồng.

Đối với 2 đoạn thuộc Vành đai 2, báo cáo của Sở GTVT cho biết tổng mức đầu tư khoảng 17.049 tỉ đồng: Đoạn từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội khoảng 3,5 km dự kiến đầu tư khoảng 8.591 tỉ đồng; Đoạn từ Xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng dài khoảng 2,8 km có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.458 tỉ đồng. Trong giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến nhu cầu vốn cho hai dự án nêu trên khoảng 13.639 tỉ đồng (tương đương 80%).

Để đẩy nhanh tiến độ, sớm khép kín tuyến đường Vành đai 2, UBND TP chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình UBND TP phương án cân đối nguồn vốn ngân sách trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để bố trí cho dự án khoảng 13.639 tỉ đồng (phần kinh phí còn lại khoảng 3.410 tỉ đồng sẽ cân đối bố trí trong giai đoạn 2026 - 2030).

Sau 10 năm triển khai, Vành đai 2 của TP.HCM còn 14 km dang dở được chia thành 4 đoạn tương ứng với 4 dự án: đoạn từ cầu Phú Hữu (Q.9) đến Xa lộ Hà Nội, đoạn từ Xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng (Thủ Đức), đoạn 3 từ Phạm Văn Đồng - nút giao Gò Dưa, QL1 (Thủ Đức) và đoạn 4 từ QL1A - Nguyễn Văn Linh.

Trong đó, đoạn 1 và đoạn 2 nằm chờ gần 4 năm vẫn chưa được thông qua chủ trương đầu tư để làm cơ sở triển khai thực hiện. Đoạn 4 cũng khó khăn về vốn nên chưa chốt được phương án đầu tư phù hợp. Đoạn 3 từ Phạm Văn Đồng - nút giao Gò Dưa được triển khai thi công từ năm 2017 với tổng vốn đầu tư hơn 2.700 tỉ đồng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng và quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư khiến dự án dừng từ tháng 3.2020 đến nay, khi đạt khoảng 44% khối lượng.