'Đừng đợi có bể mới dạy bơi cho trẻ'

Nguyên Cục phó Trẻ em Nguyễn Trọng An cho rằng địa phương căn cứ vào điều kiện thực tế để dạy bơi, kỹ năng an toàn cho trẻ, đừng chờ làm được bể mới dạy.

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng An, để giảm thiểu tử vong đuối nước, cha mẹ, người lớn cần chủ động giám sát, tạo môi trường sống an toàn cho con. Phụ huynh phải tự cứu con mình bằng cách nhận diện và loại bỏ yếu tố gây nguy cơ đuối nước, như xô chậu, chum vại dùng xong cần đổ nước đi hoặc đậy nắp, hố rãnh quanh nhà nên có rào chắn; hố nước sâu, trơn trượt phải có biển báo...

Các chương trình phòng chống đuối nước cần can thiệp sâu hơn, tập trung vào các kỹ năng gồm cứu đuối, sơ cấp cứu và an toàn trong môi trường nước trước chứ không chỉ dừng ở dạy bơi. Có nhiều trường hợp vớt được nạn nhân bị đuối nước lên bờ nhưng lại không biết sơ cấp cứu, hồi sức tim phổi nên trẻ vẫn tử vong. Kỹ năng này từ trẻ em tới người lớn ở Việt Nam còn rất thiếu và yếu.


Thầy Nguyễn Viết Tước, giáo viên ở Quảng Trị, dạy học sinh kỹ năng an toàn trong nước. Gần 20 năm qua, thầy giáo dạy bơi cho khoảng 1.500 học sinh. Ảnh: Hoàng Táo

Ông An đánh giá khó đưa bơi thành môn bắt buộc trong trường học vì ngay trường nông thôn cũng không đủ đất đặt bể bơi chứ không riêng đô thị, chưa kể cần tiêu chuẩn máy bơm lọc nước, giáo viên dạy bơi chính quy. Việt Nam với đặc thù nhiều tỉnh giáp biển, sông suối dày đặc tiềm ẩn nguy cơ đuối nước, song có thể tận dụng chính những điều này, biến nguy thành cơ.

Mỗi địa phương dựa vào đặc thù địa lý, tận dụng, cải tạo mặt nước sẵn có để dạy kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ. Nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long hàng chục năm nay đã làm bể bơi bằng lưới di động, thành bể là những cây tre hoặc ống nhựa tháo lắp được, có thể căn chỉnh độ sâu phù hợp với từng lứa tuổi. Miền Trung có thể tận dụng kênh rạch thủy lợi, mương dẫn nước vào đồng, dùng lưới quây lại. Miền núi phía Bắc dựng bể bằng cách xếp cây tre, luồng thành khung, thả tấm nylon khổng lồ và xả nước suối vào để dạy bơi.

Giáo viên có thể là những người dân sống ở vùng sông nước dày dạn kinh nghiệm. Địa phương, nhà trường cũng cần duy trì việc bàn giao học sinh dịp nghỉ hè cho Đoàn thanh niên xã, phường phụ trách để tổ chức dạy bơi. "Đừng đợi đến khi xây được bể bơi, có máy lọc sạch sẽ, đầy đủ điều kiện mới dạy trẻ bơi lội mà cần căn cứ vào thực tế và điều kiện kinh tế", ông An nói, nhấn mạnh nếu chờ đợi có lẽ "phải rất lâu nữa" mới xây đủ bể bơi. Trong khi chờ, bất cứ em bé nào cũng có thể trở thành nạn nhân đuối nước.

Cho rằng phòng chống đuối nước chú trọng học bơi là đúng, song chưa đủ, bà Đoàn Thị Thu Huyền, Giám đốc Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI), nhấn mạnh việc can thiệp hiệu quả cho từng nhóm tuổi. Trẻ dưới 5 tuổi kỹ năng sinh tồn và nhận thức non nớt cần được bảo đảm an toàn từ cha mẹ, người chăm sóc. Trẻ lớn tuổi hiếu động hơn thì học bơi cùng kỹ năng an toàn trong môi trường nước trở thành nhu cầu thiết yếu.

Khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới dành cho các nước đang phát triển, với trẻ 6-15 cần bơi được ít nhất 25 m, nổi trong 90 giây, biết đứng nước. Đây là khoảng cách và thời gian tối thiểu để trẻ có thể sống sót. Nổi và đứng nước giúp nạn nhân tăng khả năng sống sót trước khi được cứu.

Dẫn khảo sát năm 2019, bà Huyền cho hay tỷ lệ học sinh bơi xa được 25 m chỉ 25%, biết nổi 90 giây là hơn 34%. Gần bốn năm Chương trình phòng chống đuối nước can thiệp tại 8 tỉnh có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao đã nâng tỷ lệ biết bơi chung lên 25,5%, so với trung bình 14,7% trước đó, song vẫn "khiêm tốn".

Cơ quan này tính toán chi phí dạy bơi an toàn cho một trẻ gần 700.000 đồng, gồm chi trả cho huấn luyện viên, hóa chất, nước sạch... Tiêu chuẩn là trẻ bơi được 25 m, nổi được 90 giây sau 16 buổi học, mỗi buổi 60 phút và lớp tối đa 20 trẻ.

"Nếu địa phương đầu tư số tiền này để cứu một trẻ em khỏi đuối nước không phải là bài toán khó, đặc biệt với thành phố lớn", bà Huyền nói, khẳng định thêm việc có giảm thiểu được trẻ đuối nước hay không phụ thuộc lớn vào mức độ ưu tiên ngân sách địa phương. Cần đưa tiêu chí này vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội từng tỉnh thành để có kế hoạch hành động cụ thể.

Theo thống kê của Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi ngày có 6 trẻ tử vong do đuối nước, chiếm 53% tai nạn thương tích ở trẻ.

Đồ họa: Tạ Lư - Hồng Chiêu

Hồng Chiêu