Thiếu lao động, nhà máy săn đón sinh viên thực tập

TP HCM Các nhà máy trả lương, hỗ trợ nhà ở, đi lại cho sinh viên đến thực tập, đề nghị ký hợp đồng lao động sau khi tốt nghiệp nhằm bù đắp nhân sự sau dịch.

Kết thúc 3 tháng thực tập tại Công ty cổ phần cơ khí thương mại Đại Dũng ở Khu công nghiệp An Hạ (huyện Bình Chánh), Nguyễn Chí Bảo, 20 tuổi, được nhà máy ký hợp đồng chính thức. Trước đó, Bảo học trung cấp nghề hàn tại Cao đẳng nghề Việt Xô (Đồng Tháp). Sau một năm rưỡi học lý thuyết, anh cùng 30 sinh viên được gửi đến Công ty Đại Dũng thực tập. Tuần đầu, sinh viên tham quan nhà máy, học nội quy để làm quen môi trường công xưởng.


Công nhân Nguyễn Chí Bảo làm việc ở nhà máy Đại Dũng. Ảnh: An Phương

Bảo được phân về tổ sản xuất, có người hướng dẫn và bắt đầu thực hành. Mỗi ngày, sinh viên thực tập được doanh nghiệp hỗ trợ 210.000 đồng, 20.000 đồng tiền cơm và 15.000 đồng phụ cấp độc hại. Kết thúc kỳ thực tập, bộ phận nhân sự mời tất cả sinh viên làm việc với đầy đủ phúc lợi. Bảo và 10 sinh viên đồng ý ở lại với mức lương trung bình hơn 10 triệu đồng mỗi người.

Anh Bảo là một trong số hàng trăm sinh viên chọn ở lại với nhà máy Đại Dũng sau các kỳ thực tập. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch công đoàn công ty, cho hay việc phối hợp với các trường tiếp nhận sinh viên đến thực tập, dạy nghề được doanh nghiệp thực hiện gần 6 năm qua. Đây là một trong những kênh giúp công ty tiếp cận nguồn lao động trẻ, được đào tạo nghề. Đặc biệt, sau dịch, nguồn nhân lực khan hiếm, chương trình này được đẩy mạnh với nhiều chính sách hỗ trợ.

Hiện doanh nghiệp này hợp tác 6 trường cao đẳng nghề đóng ở TP HCM và một số tỉnh lân cận, mỗi năm tiếp nhận 150-200 sinh viên đến thực tập. Suốt thời gian này, công ty bố trí chỗ ở, xe đạp đi lại, hỗ trợ sinh viên mỗi tháng ít nhất 3 triệu đồng. Những trường hợp làm ra sản phẩm sẽ được trả thêm phần lương khoán của chuyền. Kết thúc kỳ thực tập, bộ phận nhân sự chủ động trao đổi với từng người đề nghị ký hợp đồng. Khoảng 30% số sinh viên gắn bó với nhà máy.

Kỹ sư nhà máy Đại Dũng hướng dẫn cho sinh viên Trường cao đẳng nghề Cao Thắng (TP HCM) đến kiến tập. Ảnh: An Phương

Theo ông Hùng, ngành cơ khí có nhu cầu lao động lớn nhưng các trường nghề không nhiều. Số lượng sinh viên ra trường hàng năm khá ít. Các doanh nghiệp gần như phải "tranh" lao động của nhau. Riêng Đại Dũng, với hơn 1.000 lao động, mỗi năm 20- 30% nhân sự rời nhà máy. Do đó, đón sinh viên về thực tập và giữ được họ ở lại sẽ phần nào bù đắp được số thiếu hụt.

Trả lương cho sinh viên thực tập, biến nhà xưởng thành giảng đường để tạo nguồn lao động cũng là cách làm của Công ty TNHH Lập Phúc (quận 7). Ông Nguyễn Văn Trí, Tổng giám đốc công ty, cho hay doanh nghiệp làm khuôn mẫu chính xác đòi hỏi phải giữ bí mật về công nghệ sau khi ký hợp đồng với khách hàng. Việc cho sinh viên vào nhà xưởng là không được phép. Nhiều đối tác hủy hợp đồng chỉ vì công ty nhận người đến thực tập.

Theo ông Trí, nếu không cho sinh viên đến học nghề, vài năm nữa ngành cơ khí sẽ không còn lao động, doanh nghiệp cũng khó tuyển được người. "Bài toán nan giải nhất của các nhà máy thời điểm này là thiếu lao động nên phải tìm cách xoay xở", ông Trí nói và cho biết ở Lập Phúc, chỉ cần sinh viên đến nhìn, ngó quy trình làm việc sẽ được hỗ trợ cơm trưa. Trường hợp cùng làm việc, tạo ra sản phẩm sẽ được trả lương.

Hiện, Lập Phúc phối hợp Trường cao đẳng kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ, sinh viên được học thực hành ngay tại xưởng. Công ty thường xuyên mời giảng viên các trường nghề đến doanh nghiệp để cập nhật cách thức vận hành nhiều loại máy móc mới. Theo ông Trí, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp tiếp thị hình ảnh, văn hóa, môi trường làm việc, được nhà trường lựa chọn khi tìm việc cho sinh viên.

Sinh viên học nghề sửa ô tô ở Trường trung cấp nghề Bình Dương. Ảnh: An Phương

Một khảo sát khác do Công ty TNHH ManpowerGroup Việt Nam và Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) phối hợp thực hiện đã cho kết quả 21% doanh nghiệp FDI thuộc nhóm ngành sản xuất, chế biến chế tạo... giai đoạn 2021-2023 rất khó tuyển đủ lao động với các kỹ năng chuyên môn phù hợp.

Phó tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Phạm Vũ Quốc Bình nói việc phối hợp không chỉ giúp doanh nghiệp có lao động mà còn mang lại lợi ích cho nhà trường, sinh viên. Hiện các trường nghề thu học phí của sinh viên rất thấp nên khó đầu tư máy móc mới, nguyên liệu... Nhiều trường hợp tốt nghiệp nhưng không thể làm được việc dẫn đến nản, không theo nghề, gây lãng phí.

Theo ông Bình, nhà nước đang có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đào tạo nghề cho lao động như các gói hỗ trợ dạy nghề được ban hành sau đại dịch, miễn giảm thuế cho các chi phí đào tạo lao động...

Ngành lao động có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức sư phạm, truyền đạt cho đội ngũ kỹ sư ở các nhà máy để họ dễ dàng hướng dẫn, đánh giá sau khi sinh viên hoàn thành thực tập. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ có những bộ công cụ khảo sát nhu cầu kỹ năng, nghề nghiệp để doanh nghiệp đánh giá, từ đó các trường nghề sẽ chủ động tuyển sinh, tư vấn người học phù hợp.

Theo số liệu của ngành lao động, năm 2022 doanh nghiệp trên cả nước cần tuyển mới gần 1,3 triệu lao động, tăng 18% so với năm trước đó. Tại TP HCM, 6 tháng cuối năm, thành phố sẽ cần 135.000-150.000 lao động, các khu công nghiệp cần 20.000-25.000 nhân công.

Lê Tuyết