Bắc Trung Bộ còn nhiều tiềm năng phát triển du lịch

Vùng Bắc Trung Bộ có vị trí giao thông thuận lợi, tập trung nhiều khu nghỉ dưỡng quy mô... và nổi tiếng với các di sản thế giới.

Phát biểu tại diễn đàn liên kết phát triển du lịch "Hội tụ tinh hoa - Nâng tầm điểm đến" ngày 1/7, bà Phan Thị Thắng, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng, vùng Bắc Trung Bộ mở rộng vừa có rừng, có biển, sông ngòi, đồng lúa. Riêng đối với lĩnh vực du lịch, đây là khu vực tập trung nhiều khu nghỉ dưỡng quy mô lớn, cũng là nơi nổi tiếng với các di sản thế giới, có nhiều cộng đồng dân cư thuộc các sắc tộc khác nhau sinh sống, hình thành nhiều tài nguyên nhân văn đa dạng và độc đáo có thể đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách.

Với các tỉnh Bắc Trung Bộ, du lịch không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn mà còn là cầu nối để giao lưu văn hóa, kết nối với các địa phương do đó các liên kết vùng quan trọng để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Sau mở cửa, ngành du lịch đã phục hồi mạnh mẽ với sản phẩm dịch vụ được nâng cao, đào tạo nhân lực cải thiện và các sản phẩm du lịch được phát triển đặc sắc hơn.



Bà Phan Thị Thắng, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Giang Huy

Do đó, TP HCM luôn chủ động liên kết du lịch với các vùng từ Bắc vào Nam trong thời gian qua, thu hút hơn 10 triệu lượt khách nội địa, 500.000 lượt khách quốc tế. Liên kết này được kỳ vọng sẽ tăng doanh thu, định vị du lịch giữa các địa phương Hà Nội, TP HCM và vùng Bắc Trung Bộ mở rộng trong thời gian tới. Chúng tôi tin rằng liên kết sẽ tạo sức bật cho các địa phương và du lịch Việt Nam trên thương trường quốc tế".

Việc liên kết giữa TP HCM và Bắc Trung Bộ mở rộng gồm Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị còn góp phần kích cầu du lịch nội địa, hỗ trợ ngành du lịch phục hồi sau dịch bệnh Covid-19, đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường thu hút số lượng du khách, thời gian lưu trú và mức độ chi tiêu của du khách...

Ông Nguyễn Minh Tâm – Phó Trưởng ban Tiếp thị bán sản phẩm, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines chia sẻ đường hướng phát triển du lịch Bắc Trung Bộ. Ảnh: Giang Huy

Bắc Trung Bộ cũng là một trong những điểm đến quan trọng của Vietnam Airlines. Để phát triển mạng lưới đường bay khu vực Bắc Trung Bộ và thúc đẩy phát triển du lịch vùng miền, Vietnam Airline đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Hà Nội, TP HCM, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình. Doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành cùng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch và các địa phương phát động và khai thác tiềm năng khách du lịch với các điểm đến khu vực Bắc Trung Bộ.

Đại diện của hãng cũng đề ra phương hướng kết nối doanh nghiệp các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ tới các sự kiện quốc tế để tăng cường hợp tác bạn hàng, xây dựng các chương trình bán và quảng bá du lịch Bắc Trung Bộ. Một giải pháp khác trong việc phát triển mạng bay khu vực Bắc Trung Bộ là sàn thương mại điện tử mà hãng hàng không Quốc gia sẽ xây dựng các sản phẩm chung với đối tác trong và ngoài lĩnh vực hàng không, du lịch để nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Bên cạnh liên kết vùng, mở rộng đường bay, các địa phương còn cần hình thành và phát triển sản phẩm du lịch chuyên đề như: du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch biển; liên kết các ngành như đường sắt, hàng không, nông nghiệp, thủy sản... để tạo ra các gói sản phẩm chung hấp dẫn.

Chính quyền cần có chính sách thúc đẩy đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kết nối các điểm du lịch của vùng như: hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch có chất lượng cao, đồng bộ như: cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí - thể thao, phương tiện vận chuyển, các cơ sở dịch vụ du lịch khác.

Việc quảng bá các sản phẩm du lịch với điểm đến là các vùng Bắc Trung Bộ qua mạng lưới phương tiện truyền thông như website, fanpage, YouTube... cũng rất cần thiết. Cuối cùng là việc đào tạo nghề, ngoại ngữ cho lao động trong ngành du lịch, nâng cao nhận thức và đào tạo, tập huấn cho cộng đồng tham gia hoạt động du lịch giữa các địa phương trong vùng nhằm phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp. Hoạt động này đảm bảo mặt bằng chất lượng dịch vụ, tiêu chuẩn nghề quốc gia và khu vực.

Hải My