Nhiều HS chọn học và xét tuyển tổ hợp KHXH dẫn tới thừa GV khoa học tự nhiên

Vừa qua, tại Hội nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo năm 2022, nhiều lãnh đạo Sở bày tỏ lo ngại việc quá nhiều học sinh chọn tổ hợp khoa học xã hội để học thi và xét tuyển dẫn đến tình trạng giáo viên khối ngành khoa học tự nhiên bị dôi dư. Do đó, các Sở kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chiến lược, kế hoạch chung để điều chỉnh sự bất cập trên.

Trao đổi về nội dung này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ, chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng là tôn trọng quyền lựa chọn của học sinh, vì vậy trong quá trình tổ chức giảng dạy dẫn đến việc thừa thiếu giáo viên cục bộ là hiện trạng rất bình thường.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (Thành phố Hồ Chí Minh). Nguồn: VOV

Chia sẻ về lý do học sinh lựa chọn tổ hợp khoa học xã hội nhiều hơn, thầy Phú nói: “Làm Hiệu trưởng nhiều năm, tôi thấy rằng học sinh rất sợ các môn như Vật lý, Hóa học, Sinh học, đặc biệt là những học sinh học lực yếu, trung bình. Vì các môn này yêu cầu tính tư duy cao, khả năng tính toán, phân tích. Trong khi đó, các môn xã hội như Lịch sử, Địa lý thì nhiều em quan niệm chỉ cần học thuộc thì dù học lực yếu hay trung bình vẫn dễ dàng đạt điểm. Tâm lý học sinh thường hướng tới cái nào dễ học thì chọn”.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du cũng cho biết, dù nhà trường rất muốn định hướng học sinh ngay từ đầu vào, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có công văn hướng dẫn việc học sinh học chương trình giáo dục phổ thông mới thì tổ chức thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học ra sao. Chính vì vậy, nhà trường gặp khó trong việc hướng nghiệp, tư vấn cho học sinh đầu cấp.

“Ngoài những môn bắt buộc thì sẽ cho học sinh lớp 10 đăng ký lựa chọn môn tự chọn, lựa chọn trong năm học tới, chính vì vậy tình trạng thừa thiếu giáo viên nhà trường cũng đã có tính toán đến.

Trường hợp học sinh lựa chọn tổ hợp môn khoa học xã hội nhiều hơn tổ hợp môn khoa học tự nhiên dẫn đến tình trạng giáo viên môn tự nhiên bị dôi dư ra thì lúc đó những giáo này nhà trường có thể phân công sang dạy thêm các môn khác như Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Thậm chí, trường đã tính đến việc cho các giáo viên này kiêm nhiệm thêm công tác quản lý học sinh. Biện pháp nhằm tạo điều kiện cho giáo viên tự nhiên dạy đủ số tiết và hưởng đủ lương”, thầy Huỳnh Thanh Phú nói.

Bên cạnh đó, thầy Phú cũng nhấn mạnh, phân công kiêm nhiệm cho giáo viên chỉ là giải pháp "chữa cháy" nhất thời vì không có chuyên môn nhưng lại phân qua một lĩnh vực khác sẽ không khác gì việc “râu ông này cắm cằm bà kia”. Về lâu dài, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa ra hướng giải quyết phù hợp.

Nhiều giám đốc Sở GD "than" khó về biên chế giáo viên, thu hồi học phí
Nhiều giám đốc Sở GD "than" khó về biên chế giáo viên, thu hồi học phí

Khi học sinh lựa chọn tổ hợp khoa học xã hội nhiều hơn thì còn dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên những môn học xã hội.

“Thông thường, công tác tuyển dụng giáo viên sẽ do Sở Nội vụ quyết định và mỗi năm chỉ tuyển một lần vào tháng 7 để rồi tháng 8 phân công nhiệm vụ. Tuy nhiên, thực tế năm học 2022-2023 thì các nhà trường phải chờ đến tháng 9 để có thể chốt được số lượng học sinh và số lớp học lựa chọn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

Chờ đến thời điểm đó sẽ tuyển dụng không kịp nên phải ký hợp đồng giáo viên bên ngoài. Cái khó ở đây là, ký hợp đồng giáo viên còn chịu sự ràng buộc từ Nghị định 115, giáo viên đó phải là giáo viên biên chế tại một trường khác và về trường mình với vai trò là giáo viên hợp đồng.

Tuyển giáo viên hợp đồng xong nhưng lấy ngân sách từ đâu để trả lương cho họ lại là một vấn đề nan giải”, thầy Huỳnh Thanh Phú chia sẻ.

Cùng trăn trở về vấn đề này, cô Vy Thị Thu Trang, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn) cho biết, qua thống kê cho thấy tỷ lệ học sinh vào trường lựa chọn tổ hợp môn khoa học xã hội chiếm 65%, còn lựa chọn tổ hợp môn khoa học tự nhiên chiếm 35%. Từ đó dẫn tới tình trạng giáo viên dạy những môn khoa học tự nhiên bị dôi dư ra, vì vậy trường cũng phải có sự điều tiết, phân công phù hợp.

Nghịch lý biên chế giáo viên theo định mức, học sinh lớp 10 tự do chọn tổ hợp
Nghịch lý biên chế giáo viên theo định mức, học sinh lớp 10 tự do chọn tổ hợp

“Giáo viên xã hội dạy nhiều tiết hơn thì nhà trường sẽ bớt phần kiêm nhiệm của họ đi còn giáo viên tự nhiên ngoài giảng dạy các bộ môn của họ thì sẽ thực hiện thêm các nhiệm vụ kiêm nhiệm khác.

Trong trường cũng có rất nhiều các công việc kiêm nhiệm được quy đổi ra giờ như giáo viên chủ nhiệm, tổ trưởng, tổ phó, phụ trách công đoàn, đoàn thành niên”, cô Vy Thị Thu Trang nói.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bắc Kạn cũng chia sẻ thêm, nắm được xu hướng học sinh miền núi thường có xu hướng các em lựa chọn tổ hợp môn khoa học xã hội nhiều. Chính vì vậy, nhà trường sớm xây dựng các tổ hợp môn lựa chọn xã hội nhiều hơn tổ hợp môn tự nhiên.

Điều này còn dựa trên cơ sở mấy năm gần đây, số lượng học sinh đăng ký tổ hợp thi tốt nghiệp, đăng ký nguyện vọng vào các trường đại học, cao đẳng. Trường cũng hướng tới xây dựng tổ hợp môn sao cho phù hợp với cái nhu cầu của học sinh và đội ngũ giáo viên nhà trường.

"Sau khi danh sách trúng tuyển được Sở duyệt thì còn phải gọi các em đến trường một buổi để tuyên truyền, phân tích, hướng nghiệp. Sau đó, trường mới cho các em đăng ký nguyện vọng môn học cụ thể. Mặc dù, trước đó Trường Trung học phổ thông Bắc Kạn đã tuyên truyền, phổ cập đến các trường trung học cơ sở trên địa bàn trường tuyển sinh, qua bản tin của nhà trường nhưng học sinh vẫn chưa có định hướng cụ thể và rõ ràng", cô Vy Thị Thu Trang nói.

Trần Lý