Những tiến triển trong cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine khiến giá dầu WTI có lúc mất mốc 100 USD/thùng. Nhưng giá dầu nhanh chóng bật tăng trở lại.

Theo Trading Economics, giá dầu thế giới đã bật tăng sau khi lao dốc hôm 29/3 (theo giờ Việt Nam). Tính đến 15h40, dầu thô Brent được giao dịch ở mức 112,29 USD/thùng, tăng 1,82% so với 24 giờ trước đó. Hôm qua, giá có lúc rơi xuống 104,9 USD/thùng.

Còn giá dầu WTI tăng từ mức thấp trong vòng 24 giờ qua, 98,57 USD/thùng, lên 106,44 USD/thùng.

Nói với Zing, chuyên gia quốc tế giải thích giá dầu lao dốc bởi thông tin về những tiến triển trong các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine, nhưng bật tăng trở lại sau khi giới đầu tư tìm cách "bắt đáy" và những lo ngại rằng nguồn cung dầu thế giới không sớm phục hồi.

Giá dầu thô WTI bật tăng sau khi lao dốc hôm 29/3. Ảnh: Trading Economics.

Nhanh chóng bật tăng

"Giá dầu lao dốc sau thông tin Nga tuyên bố giảm hoạt động quân sự gần Kyiv nhằm tạo điều kiện đàm phán. Các nhà đầu tư đã tranh thủ 'mua đáy', khiến giá bật tăng phần nào", ông Jeffrey Halley - chuyên gia tài chính phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại hãng tư vấn OANDA - bình luận với Zing.

"Cùng với đó là thông tin về việc dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến. OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh) cũng không sớm tăng sản lượng", vị chuyên gia giải thích thêm.

Hôm 29/3, giá dầu quay đầu giảm sau khi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexander Fomin xác nhận Moscow sẽ giảm đáng kể hoạt động quân sự gần thủ đô Kyiv và thành phố Chernihiv.

Ông Fomin cho biết phía Ukraine cũng nhất trí hành động tương tự. Quyết định giảm hoạt động quân sự được đưa ra trên cơ sở chuẩn bị cho một thỏa thuận về tình trạng trung lập, phi hạt nhân của Ukraine, cũng như các điều khoản bảo đảm an ninh cho Ukraine dần trở nên khả thi.

Giá dầu thế giới biến động mạnh do những bất ổn liên quan tới xung đột Nga - Ukraine. Ảnh: Reuters.

Ông Vladimir Medinsky - Trưởng đoàn đàm phán Nga - cũng khẳng định Moscow sẵn sàng xem xét khả năng tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky ngay khi các Ngoại trưởng hai nước khởi động tiến trình ký kết thỏa thuận sơ bộ.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã tranh thủ mua vào sau khi giá điều chỉnh giảm, khiến giá bật tăng phần nào. Cùng với đó, những lo ngại về nguồn cung tiếp tục đẩy giá lên cao.

Viện Dầu mỏ Mỹ (API) mới đây ước tính rằng dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 3 triệu thùng trong tuần qua, lớn hơn dự báo 1,5 triệu thùng của giới phân tích.

Tuần trước, API báo cáo mức giảm 4,28 triệu thùng dầu thô dự trữ của Mỹ, trái ngược với dự báo tăng 25.000 thùng của giới phân tích.

Cung dầu vẫn hạn chế

Dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm khoảng 80 triệu thùng kể từ đầu năm 2021.

"Trong những ngày tới, các thị trường dầu sẽ theo dõi sát sao những động thái của OPEC+ liên quan đến việc tăng sản lượng dầu. Cùng với đó là lượng dầu dự trữ của Mỹ. Nếu nguồn cung bị thắt chặt, giá vẫn có thể tăng mạnh", ông Halley cảnh báo.

Tại một sự kiện diễn ra hôm 28/3, Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail al-Mazrouei khẳng định thị trường cần dầu mỏ của Nga bởi không nước sản xuất dầu nào có thể thay thế sản lượng này.

Ông cũng khẳng định OPEC+ không bao giờ là một tổ chức chính trị. Do đó, các thành viên, bao gồm Nga, đều có quyền như nhau.

Trong những ngày tới, các thị trường dầu sẽ theo dõi sát sao những động thái của OPEC+ liên quan đến việc tăng sản lượng dầu. Cùng với đó là lượng dầu dự trữ của Mỹ

Chuyên gia Jeffrey Halley

Theo ông Halley, diễn biến giá dầu cũng phụ thuộc nhiều vào tình hình chiến sự ở Ukraine. "Nga và Ukraine có sớm đạt được thỏa thuận ngừng bắn hay không, hay xung đột và các lệnh trừng phạt vẫn tiếp tục gây gián đoạn nguồn cung?", vị chuyên gia đặt câu hỏi.

Ông dự báo những tuần tới, giá dầu thô Brent sẽ tiếp tục dao động trong vùng 100-120 USD/thùng.

Giá dầu biến động liên tục trong tuần qua bởi những bất ổn xoay quanh xung đột Nga - Ukraine và các lệnh phong tỏa ở Trung Quốc.

Hôm 28/3, Thượng Hải tuyên bố phong tỏa thành phố 26 triệu dân theo 2 giai đoạn khi số ca nhiễm Covid-19 mới tăng cao. Trên mạng xã hội WeChat, chính quyền Thượng Hải cho biết giao thông công cộng, bao gồm cả các dịch vụ gọi xe công nghệ, tại khu vực này sẽ bị ngừng trong quá trình phong tỏa.

Phương tiện giao thông không được lưu thông trên đường nếu không được cho phép. Thêm vào đó, tất cả công ty và nhà máy cũng phải dừng sản xuất hoặc chuyển sang làm việc từ xa, trừ những công ty cung cấp dịch vụ công hoặc thực phẩm.

Nhưng theo giới chuyên gia, các lệnh phong tỏa có thể không tác động mạnh tới nhu cầu dầu nếu Trung Quốc sớm kiểm soát được những đợt bùng dịch mới.

"Chính sách Zero-Covid (đưa số ca nhiễm mới về 0) của Trung Quốc chỉ có thể tác động mạnh mẽ tới nhu cầu dầu toàn cầu nếu làn sóng Omicron tấn công vào đất nước 1,4 tỷ dân, buộc chính quyền Bắc Kinh phải áp đặt lệnh phong tỏa đối với các thành phố công nghiệp lớn của nước này", ông Halley nhận định.