TPHCM - Nhiều dự án bất động sản chưa hoàn chỉnh thủ tục pháp lý nhưng chủ đầu tư đã lách luật bán lúa non bằng nhiều hình thức cho đặt cọc, giữ chỗ, hứa mua hứa bán.

Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM đã có văn bản “tuýt còi” về việc bán nhà ở hình thành trong tương lai đối với 204 căn hộ thuộc dự án Chung cư cao tầng Thảo Điền (tên thương mại là Thảo Điền Green), toạ lạc tại số 192 Nguyễn Văn Hưởng, P.Thảo Điền, TP.Thủ Đức.

Với dự án này, Sở Xây dựng TP.HCM khuyến cáo người dân trước khi ký hợp đồng mua bán cần tìm hiểu kỹ pháp lý và điều kiện mua, bán căn hộ hình thành trong tương lai nhằm hạn chế thiệt hại, phát sinh tranh chấp trong quá trình mua bán căn hộ. Đồng thời, thông tin đến Sở Xây dựng các trường hợp chủ đầu tư, các tổ chức thực hiện việc huy động vốn dưới bất kỳ hình thức nào khi dự án chưa đảm bảo đầy đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định để Sở Xây dựng xử lý.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng TP.HCM cũng khuyến cáo Công ty SIC chấp hành đúng quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản, nhà ở, đất đai và các pháp luật khác có liên quan; không được mua bán, huy động vốn dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa đủ điều kiện theo quy định. 

Theo tìm hiểu, vào tháng 12.2018, UBND TP.HCM có quyết định chấp thuận đầu tư dự án Thảo Điền Green do Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến tháng 4.2019, UBND TP.HCM chấp thuận cho doanh nghiệp này chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Công ty SIC. 

Tình trạng như trên không phải là hiếm ở nhiều dự án bất động sản hiện nay. Theo báo cáo của UBND TPHCM với Bộ Xây dựng, một vấn đề đáng lo hiện nay là do luật còn nhiều bất cập đang tạo điều kiện cho chủ đầu tư lách luật. Cụ thể, theo UBND TPHCM hiện hệ thống các quy định pháp luật còn bất cập, thiếu đồng bộ gây khó khăn trong việc ngăn chặn và đề xuất giải pháp xử lý những vi phạm trong hoạt động kinh doanh bất động sản, có thể hình thành những điểm nóng, phức tạp.

Đơn cử như trường hợp một căn hộ bán cho nhiều người, việc này xuất phát từ sự bất cập của các quy định Luật Nhà ở 2005, Nghị định 90/2006/NĐ-CP đã tạo điều kiện và giao nhiều thẩm quyền cho chủ đầu tư như phê duyệt thiết kế kỹ thuật, miễn giấy phép xây dựng khi đã được phê duyệt dự án, nghiệm thu hoàn thành công trình, huy động vốn… không qua sự kiểm soát của cơ quan nhà nước. 

Hay như việc, nhiều dự án chưa hoàn chỉnh thủ tục pháp lý nhưng chủ đầu tư đã cho đặt cọc, giữ chỗ, hứa mua hứa bán… Mặc dù, theo khoản 2 điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định: trước khi bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư dự án đã không thực hiện thủ tục và hồ sơ trình cơ quan thẩm quyền kiểm tra, xem xét thủ tục cho phép bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai mà áp dụng theo Điều 328 Luật Dân sự năm 2015 quy định đặt cọc là việc một bên giao bên (đặt cọc) giao cho bên kia (bên nhận cọc) một khoản tiền hoặc vật có giá trị khác (gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời gian để đảm bảo giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.