Một tổ chức nghiên cứu lớn của Trung Quốc đã cảnh báo về rủi ro an ninh quốc gia và kinh tế - xã hội của “vũ trụ ảo” - mục tiêu chính mà Meta (đổi tên từ Facebook) theo đuổi.


Tuy “vũ trụ ảo” (metaverse) vẫn còn là khái niệm đang được phát triển, “đặc tính công nghệ” và “xu hướng phát triển” của nó cho thấy tiềm năng an ninh quốc gia đáng kể, theo nghiên cứu từ Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR) - một tổ chức nghiên cứu lâu đời có quan hệ với Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc. 

Bài viết được viết bởi 4 nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Hoa Kỳ thuộc CICIR, gồm Lý Tranh, Lý Mặc, Trương Lam Thư và Hàn Á Phong. Bài viết được xuất bản sau khi Mark Zuckerberg đổi tên công ty từ Facebook thành Meta.

Vũ trụ ảo nói đến một thế giới ảo rộng lớn, trong đó các nhân vật ảo đại diện cho người thật có thể tương tác theo nhiều cách, bao gồm vui chơi, làm việc hoặc tương tác xã hội đơn thuần. Một số người coi vũ trụ ảo là bước tiến hóa tiếp theo của Internet.

Theo bài viết của 4 học giả từ CICIR, những rủi ro tiềm tàng đi kèm với vũ trụ ảo bao gồm nhiều nguy cơ về bảo mật và “chủ nghĩa bá quyền công nghệ”. Trong đó, các quốc gia đang phát triển dần phụ thuộc hơn vào các quốc gia phát triển khi khoảng cách giữa 2 phía trong phát triển vũ trụ ảo ngày càng rộng.

Cũng theo bài viết trên, vũ trụ ảo mang lại nhiều hàm ý cho hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội của các quốc gia. Ví dụ, vũ trụ ảo có thể trở thành một phần của “xu hướng tư tưởng chính trị”, “ảnh hưởng ngầm” đến an ninh văn hóa và chính trị của quốc gia.

Bên cạnh đó, vũ trụ ảo cũng có thể đem đến thêm nhiều vấn đề xã hội. Trải nghiệm trong thế giới ảo này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thanh thiếu niên, bị lạm dụng để sản xuất “ma túy số”, và có thể dẫn đến việc rời xa cuộc sống thực, theo CICIR. 

Kết luận bài viết, các học giả từ CICIR cho rằng, rủi ro nêu trên sẽ dẫn đến nhu cầu quản lý, hướng dẫn và hợp tác từ chính phủ và cộng đồng quốc tế. 

Tuy vẫn chưa có hình thái hay sản phẩm vũ trụ ảo hoàn chỉnh nào, thuật ngữ này đã trở nên phổ biến hơn khi nhiều người sử dụng các trò chơi như Fortnite và Roblox để gặp gỡ và trao đổi trong môi trường ảo. Các công ty công nghệ lớn và nhỏ tại Trung Quốc cũng đang chạy theo xu hướng này. 

Chẳng hạn, ByteDance - công ty quản lý ứng dụng TikTok, đã mua lại startup thực tế ảo Pico Interactive, và đầu tư khoảng 100 triệu NDT (15,6 triệu USD) vào Mycodeview - công ty đứng sau trò chơi Reworld mong muốn cạnh tranh với Roblox.

Trong khi đó, Tencent và Alibaba cũng đã đăng ký bản quyền một số thương hiệu liên quan đến vũ trụ ảo.

Truyền thông Trung Quốc cũng đã để ý đến xu hướng này. Thời báo Chứng khoán - một tờ báo do nhà nước Trung Quốc sở hữu, tháng trước đã cảnh báo rằng, mọi người không nên mù quáng đầu tư vào những khái niệm “to lớn nhưng viển vông” như vũ trụ ảo nếu không muốn chịu tổn thất lớn về tiền bạc.