Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào than đá cho sản xuất và sưởi ấm, khiến nỗ lực nhanh chóng từ bỏ nó để giảm phát thải trở nên bất khả thi.

Vào một buổi sáng thứ 7 chớm lạnh hồi tháng trước, những người đàn ông mặc áo khoác đen đến gõ cửa từng nhà tại xã Phong Nhuận, Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Họ đến kiểm tra nhằm đảm bảo dân làng ở đây, một trong những điểm ô nhiễm khói bụi nặng nhất Trung Quốc, chấp hành nghiêm chỉnh lệnh cấm đốt than đá để sưởi ấm.

"Chúng ta phải chắc chắn rằng 'không một ngọn lửa nào được nhóm lên, không một làn khói nào thoát ra, không một vệt than nào còn sót lại'", Phòng Kinh tế và Môi trường Phong Nhuận tuyên bố.

Một công nhân giám sát hoạt động tại một công ty thép ở huyện Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.

Sau khi gõ cửa 596 nhà, đoàn kiểm tra tịch thu gần một tấn than cám và 9 tấn than bánh, đồng thời cảnh báo người dân rằng họ không được phép đốt than nữa.

Hoạt động này phản ánh tình hình căng thẳng tại vành đai gỉ sét ở đông bắc Trung Quốc khi nước này đang đứng trước áp lực toàn cầu phải cắt giảm đáng kể lượng khí thải carbon.

Trung Quốc hiện là nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới và đang trở thành tâm điểm chú ý tại hội nghị COP26 ở Glasgow, Scotland, nơi các lãnh đạo toàn cầu thảo luận về cách ngăn chặn những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không dự hội nghị, nhưng ông đã gửi phát biểu hôm 1/11, nhắc lại rằng lượng khí thải carbon của Trung Quốc sẽ đạt mức cao nhất trước năm 2030, sau đó giảm xuống.

Suốt những năm qua, Trung Quốc đã ban hành hàng loạt biện pháp tương đối nghiêm khắc nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí, như đình chỉ hoạt động sản xuất của các nhà máy nhiều tuần liên tục, quy định ngày lưu thông chẵn - lẻ cho ôtô ở Bắc Kinh, và giờ đây, chính quyền nhắm đến những kho chứa than đá trong các hộ gia đình.

Tuy nhiên, lượng khí thải carbon của Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng.

Vài tuần gần đây ở Đường Sơn, giới chức địa phương đã kêu gọi người dân sống xanh bằng cách bỏ bếp than, chuyển sang dùng lò sưởi điện. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khí hậu cho biết những biện pháp kiểu này chỉ tác động hạn chế tới lượng khí thải, vì các hộ gia đình sử dụng ít than hơn rất nhiều so với các nhà máy.

"Nó khá nhỏ so với các nguồn tiêu thụ than chính như sản xuất điện năng và công nghiệp", Cecilia Han Springer, nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức Sáng kiến Trung Quốc Toàn cầu thuộc Đại học Boston, Mỹ, cho hay.

Gần 60% nguồn cung cấp điện của Trung Quốc vẫn đến từ than đá. Trong hướng dẫn công bố ngày 24/10, Trung Quốc cam kết giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch xuống dưới 20% vào năm 2060, nhưng như vậy, vẫn còn cả một chặng đường dài cho ngành điện than.

Các nhà máy cũng liên tục tìm cách luồn lách để tránh vi phạm quy định chống ô nhiễm không khí, đôi khi bằng cách hối lộ cơ quan quản lý địa phương hoặc làm sai lệch hồ sơ.

Hồi tháng ba, Bộ trưởng Môi trường Trung Quốc bất ngờ tới thăm Đường Sơn, cách Bắc Kinh hai giờ lái xe về phía đông, sau khi thủ đô phải chứng kiến bầu trời mịt mù khói bụi trong kỳ họp quốc hội quan trọng. Ông phát hiện 4 xưởng sản xuất thép làm giả dữ liệu để không vượt mức trần ô nhiễm không khí mà chính quyền đặt ra. Những nhà sản xuất này đã bị phạt, một số nhân viên bị truy tố.

Tình hình thậm chí còn căng thẳng hơn vào tháng hai năm sau, khi Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội Mùa đông. Các quan chức ở Đường Sơn và những thành phố khác gần thủ đô đã phải chuẩn bị suốt nhiều tháng để đảm bảo bầu trời Bắc Kinh luôn trong xanh.

Thế vận hội có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của Trung Quốc, ít nhất là ở vùng đông bắc, nhưng một số biện pháp chỉ mang tính tạm thời hoặc đối phó.

Là trái tim của quốc gia về sản xuất thép, một ngành công nghiệp khát than, Đường Sơn là trọng điểm trong nỗ lực cắt giảm khí thải của Trung Quốc.

Hồi tháng 8, Đường Sơn đã ban hành quy định cho biết các biện pháp kiểm soát ô nhiễm cho Thế vận hội sẽ có hiệu lực từ cuối tháng một đến giữa tháng 3/2022. Các biện pháp này bao gồm đóng cửa nhà máy gây ô nhiễm, cấm xe tải hoạt động trên đường và triển khai "cuộc tổng vệ sinh" loại bỏ bụi khỏi thành phố.

Các thành phố của Trung Quốc từ lâu đã thuê công nhân quét dọn đường phố hoặc phun nước xuống đường để ngăn bụi trong không khí dày thêm đến mức trở thành khói mù có thể nhìn thấy được. Tất nhiên, quét dọn không làm giảm lượng khí thải carbon.

Ở Đường Sơn vào mùa đông này, các nhà máy phải ngừng sản xuất. Họ sẽ không thể viện lý do rằng đã tắt lò nhưng khói còn sót lại vẫn thoát ra.

"Đối với các ngành công nghiệp có thể tiếp tục gây ô nhiễm không khí sau khi ngừng sản xuất, các doanh nghiệp phải căn chỉnh thời gian để điều chỉnh sản xuất", quy định mới nêu rõ.

Xe tải chạy bằng dầu diesel sẽ bị cấm hoạt động tại Đường Sơn trong thời gian diễn ra Thế vận hội. Các quan chức phải giảm 80% những chuyến đi bằng ôtô của họ. Tất cả xe buýt đô thị mới phải vận hành theo mô hình năng lượng mới.

Người đàn ông đạp xe ngang qua một nhà máy sản xuất thép ở Đường Sơn. Ảnh: AFP.

Một vấn đề phức tạp đặt ra là cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Sau nhiều năm nguồn cung điện ổn định, Trung Quốc hiện phải tiến hành cắt điện luân phiên nhằm tiết kiệm nguồn than đá ngày càng đắt đỏ, trong khi nhà chức trách cố gắng tìm mua thêm than từ bên ngoài.

Thủ tướng Lý Khắc Cường tháng trước tuyên bố dù Trung Quốc rất muốn giảm lượng khí thải, ổn định xã hội vẫn là ưu tiên hàng đầu.

"Trước tiên, chúng ta phải dành ưu tiên cho cuộc sống người dân, đảm bảo sinh kế cho họ cũng như nguồn than để phát điện và sưởi ấm", ông nói.

Điều này khiến các quan chức địa phương rơi vào tình thế khó khăn trong mùa đông năm nay, khi họ phải đối mặt với những yêu cầu mâu thuẫn, vừa phải giữ cho than cháy, vừa phải giảm ô nhiễm không khí.

Angel Hsu, nhà khoa học khí hậu kiêm giáo sư tại Đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill, Mỹ, đánh giá nỗ lực chuyển đổi sang năng lượng xanh của Trung Quốc sẽ trở nên dễ dàng hơn trong những năm tới, vì nước này đã mở rộng quy mô sản xuất năng lượng mặt trời đủ để tiết kiệm chi phí.

"Xây dựng một nhà máy điện hoàn toàn mới sử dụng năng lượng mặt trời sẽ rẻ hơn so với tiếp tục duy trì một nhà máy nhiệt điện than", bà cho hay.

Hiện tại, các quan chức ở xã Phong Nhuận của Đường Sơn đang gấp rút mua máy bơm nhiệt để giúp sưởi ấm cho người dân ở những khu vực phải từ bỏ sử dụng than đá với mức chi phí hợp lý.

Hồi tháng 9, chính quyền địa phương cho biết đã ký một đơn đặt hàng gấp 17.104 máy bơm nhiệt với chi phí 16 triệu USD và dự kiến lắp đặt chúng ở hàng chục ngôi làng tại Phong Nhuận.

"Khi cấm các hộ gia đình nông thôn đốt than đá, bạn phải đảm bảo họ có lựa chọn thay thế với chi phí hợp lý", Lauri Myllyvirta, nhà phân tích hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, lưu ý. "Với hệ thống sưởi điện trực tiếp, bạn sẽ phải trả nhiều tiền hơn. Nhưng nếu lắp đặt một máy bơm nhiệt, nó sẽ tiết kiệm năng lượng hơn nhiều".

Tại làng Thất Thụ Trang, xã Phong Nhuận, các quan chức ở đây hôm 26/10 tổ chức họp để đánh giá công tác kiểm tra than từng nhà.

"Kiểm tra và tịch thu than", các quan chức được yêu cầu. "Đảm bảo không có vết tích đốt than nào cho đến cuối tháng".