Cá mú bông Thái Bình Dương thay răng thường xuyên để liên tục có những chiếc răng sắc nhọn giúp ngoạm chặt con mồi.

Cá mú bông Thái Bình Dương bơi ở vùng biển thuộc Monterey, California. Ảnh: Gerald Corsi

Các nhà khoa học phát hiện cá mú bông Thái Bình Dương (Ophiodon elongatus) thay tới 20 chiếc răng mỗi ngày, Live Science hôm 15/11 đưa tin. Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B.

Cá mú bông Thái Bình Dương là loài ăn thịt sống ở bắc Thái Bình Dương. Khi trưởng thành, chúng đạt chiều dài khoảng 50 cm, nhưng một số con có thể dài tới 1,5 m. Chúng có tới 555 chiếc răng xếp trên hai bộ hàm. Thay vì răng cửa, răng hàm và răng nanh, cá mú bông có hàng trăm chiếc răng tí hon sắc nhọn. Đằng sau bộ hàm thứ nhất là bộ hàm phụ mà chúng dùng để nhai thức ăn, giống như cách con người sử dụng răng hàm.

Để tìm hiểu về tốc độ rụng răng của cá mú bông, Karly Cohen, nghiên cứu sinh ngành sinh học tại Đại học Washington và Emily Carr, sinh viên sinh học tại Đại học Nam Florida, theo dõi 20 con cá mú bông trong các bể nước của phòng thí nghiệm thuộc Đại học Washington. Vì răng chúng rất nhỏ nên việc xác định tốc độ rụng răng không hề đơn giản.

Nhóm nghiên cứu thả cá mú bông vào bể nước chứa thuốc nhuộm màu đỏ để nhuộm đỏ răng cá. Tiếp theo, họ chuyển chúng sang một bể chứa thuốc nhuộm màu xanh lá để nhuộm răng một lần nữa.

Sau đó, các chuyên gia tiến hành kiểm tra răng của đàn cá. Những chiếc răng tồn tại từ đầu thí nghiệm sẽ có màu đỏ và xanh, trong khi răng mới chỉ màu xanh. Sau khi kiểm tra tổng cộng 10.000 chiếc răng, họ xác định được tốc độ rụng, mọc răng của cá mú bông và loại răng nào bị thay thường xuyên nhất.

Cụ thể, cá mú bông thay khoảng 20 răng mỗi ngày. Tốc độ này tương đương với việc rụng và mọc một chiếc răng mỗi ngày ở người. Carr cùng đồng nghiệp cũng phát hiện răng ở hàm phụ bị thay nhanh hơn.

Cách thay răng có thể rất quan trọng với chiến thuật săn mồi của cá mú bông, theo Kory Evans, nhà sinh thái tại Đại học Rice. "Răng cá mú bông càng cùn thì càng khó ngoạm chặt con mồi", Evans giải thích. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện, tương tự ở người, quá trình thay răng ở cá mú bông được xác định trước, nghĩa là răng được thay thế bằng một chiếc cùng loại và không phát triển lớn hơn theo thời gian.

Nhóm chuyên gia hy vọng nghiên cứu mới giúp giới khoa học hiểu thêm về răng cá và truyền cảm hứng cho những nghiên cứu về nhiều loài cá khác ra đời.