Giá mít thái loại 1 tại vườn đang có giá 13.000 đồng một kg, còn loại 2,3 xuống 3.000-6.000 đồng, giảm 50% so với tuần trước.

Ông Bảy Ẩn, người trồng mít thái ở Long An cho biết, năm nay mít thái được mùa hơn so với mọi năm, trái to tròn và khá đồng đều. Tuy nhiên, giá mít lại quay đầu giảm mạnh khi vào mùa.

Tương tự, ông Hoàng, chủ vườn 2 ha mít ở Tiền Giang cho hay, cách đây một tuần, giá mít thái loại 1 vẫn ở mức 25.000 đồng một kg, nhưng nay rộ mùa, giá giảm còn một nửa. Mít loại 2,3 còn rẻ hơn nhiều.

"Mỗi tấn mít bán xô, tôi chỉ thu được khoảng 7-10 triệu đồng. Số tiền này đủ trả chi phí phân bón và công chăm sóc chứ không có lãi", ông Hoàng nói.

Vườn mít Thái nhà ông Bảy Ẩn. Ảnh: Bảy Ẩn

Thừa nhận giá mít đang giảm sâu, ông Hùng, chủ vựa thu mua mít ở Tiền Giang cho biết, giá mít loại 1 đang được ông mua với giá 12.000 đồng một kg. Riêng hàng loại 2,3 đa phần chỉ có vài nghìn đồng.

Lý giải nguyên nhân rớt giá mạnh, ông Hùng cho rằng do mít vào mùa nên sản lượng lớn, nguồn cung tăng mạnh. Trong khi đó, lượng mít xuất khẩu sang Trung Quốc thất thường, còn thị trường tiêu thụ lớn trong nước là TP HCM và Hà Nội thì ảnh hưởng dịch Covid-19 nên việc vận chuyển khó khăn, khiến giá càng giảm sâu.

Trước đó, vào tháng 6, mỗi kg mít thái cũng có đợt giảm sâu, xuống còn 5.000-10.000 đồng một kg, khiến nhiều nhà vườn thua lỗ vì chi phí chăm sóc cao, trong khi hoạt động tưới tiêu tốn kém. Nguyên nhân cũng do dịch bệnh phức tạp, tiêu thụ trong nước giảm, còn xuất khẩu bị tắc nghẽn.

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, ước tính năm 2020, cả nước có khoảng 59.900 ha mít, sản lượng ước đạt khoảng 557.948 tấn. Trong đó, riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng hơn 30.000 ha, sản lượng trên 300.000 tấn.

Còn khu vực Đông Nam Bộ có trên 12.500 ha với sản lượng khoảng 112.000 tấn. So với năm ngoái, diện tích trồng mít vẫn đang tăng mặc dù ngành nông nghiệp nhiều lần cảnh báo rủi ro việc nông dân mở rộng diện tích ồ ạt khi xuất khẩu đang phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc.