Các dự án game blockchain của Việt Nam liên tục xuất hiện trong thời gian qua, thu hút hàng triệu USD từ các quỹ đầu tư quốc tế.

Sau cú hit từ Axie Infinity - game NFT đắt giá nhất mọi thời đại, hàng loạt dự án game blockchain ở Việt Nam ra đời chỉ trong thời gian ngắn. Từ những studio mới thành lập đến các công ty truyền thống đều thể hiện tham vọng khai phá thị trường mới nổi này.

Các game blockchain "made in Việt Nam" xuất hiện trong khoảng nửa năm nay có thể kể đến như My DeFi Pet, Faraland, MeebMaster, Theta Arena, Sipher, HeroFi... Nội dung và cách chơi cũng đa dạng từ nuôi thú cưng, nhập vai chiến đấu đến khoa học viễn tưởng, đón đầu trào lưu metaverse.

Nhiều dự án không chỉ gây tiếng vang trong nước mà còn thu hút các nhà đầu tư quốc tế lớn. Ở giai đoạn kỷ lục, mỗi ngày Axie Infinity có hơn một triệu người chơi trên khắp thế giới, tổng giá trị vốn hóa cán mốc 8,5 tỷ USD. Mới đây, dự án game blockchain khác của người Việt là Sipher gọi vốn thành công 6,8 triệu USD từ các quỹ đầu tư của Mỹ, Hàn Quốc, còn trước đó có Faraland (2,4 triệu USD), HeroVerse (1,7 triệu USD)...

Lợi thế của nhà làm game Việt

Game blockchain là thể loại trò chơi được xây dựng trên nền tảng blockchain, khác biệt so với game truyền thống ở tính phi tập trung. Tài sản trên game được phân bổ giữa các người chơi thay vì được kiểm soát tập trung bởi một máy chủ. Ông Nguyễn Thành Trung, một trong những nhà sáng lập Axie Infinity, cho biết ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, mỗi ngày đều có rất nhiều game blockchain mới ra đời. Thế mạnh của người Việt là cộng đồng làm game trẻ, nhanh nhạy với xu hướng mới.

Ông Phan Tùng, đồng sáng lập Faraland, đánh giá người Việt đang đi đầu trong ngành công nghiệp game blockchain với Axie Infinity, theo sau là hàng loạt dự án khác đã gọi vốn thành công hàng triệu USD. Đây được xem là "mỏ vàng" cho các startup công nghệ nói chung và lĩnh vực game nói riêng.

Hình ảnh đồ họa trong một game blockchain Việt.

Đồng quan điểm, bà Thảo Trang, CMO của Project SEED, cho rằng từ lâu Việt Nam đã là một trong những thị trường đáng chú ý về blockchain. "Các đồng nghiệp quốc tế đánh giá chúng ta đang sở hữu cả một hệ sinh thái blockchain chứ không đơn thuần là các dự án đơn lẻ", bà Trang nói.

Thống kê trong năm 2020 của App Annie cho thấy, trong 68 triệu người dùng di động tại Việt Nam, có khoảng 57% chơi game với thời gian chơi trung bình 3,9 tiếng một ngày. Việt Nam cũng đứng thứ hai tại Đông Nam Á với 22% thị phần tải game trên các ứng dụng mobile, sau Indonesia (38%). Số lượt tải game tại Việt Nam tăng trưởng 10%, chi tiêu của người dùng trong game tăng 50% trong năm ngoái.

Bà Lynn Hoàng, Giám đốc quốc gia Binance Việt Nam, nhận định việc kết hợp giữa game với công nghệ blockchain đã khiến Axie Infinity trở thành hiện tượng game toàn cầu, thu hút hàng triệu người chơi từ khắp thế giới. "Blockchain, đặc biệt là NFT, đã mở ra các mô hình kinh doanh mới và nguồn doanh thu mới cho ngành công nghiệp game. Các công ty game Việt Nam nên tận dụng và vươn ra toàn cầu", bà Lynn Hoàng nói.

Rủi ro của thị trường

Các nhà làm game nhận định blockchain sẽ là nền tảng tương lai và sẽ bùng nổ trong năm tới. Tuy nhiên, bên cạnh các lợi thế, cộng đồng làm game cũng phải đối mặt không ít thách thức.

"Ở một thị trường sơ khai, mới và nóng như hiện tại, còn rất nhiều thứ cần khai phá, con đường phải đi cũng rất dài. Sự thiếu hụt về nền tảng nếu kèm với thiếu kiên trì sẽ tạo ra hậu quả xấu, thậm chí phá huỷ uy tín đã cố gắng xây dựng thời gian qua", ông Nguyễn Thành Trung nói.

Ngoài ra, ông Trung cũng cho rằng trong bối cảnh thế giới mở và chuyển dịch nhiều thứ lên nền tảng online, định nghĩa về đội ngũ làm game của một quốc gia có thể bị xoá nhoà. Các nhà phát hành game buộc phải ra thị trường lớn hơn và xây dựng đội ngũ quốc tế nếu muốn phát triển.

Với kinh nghiệm từ quá trình làm việc cho các dự án trong nước lẫn quốc tế, bà Thảo Trang cho rằng một trong những thách thức lớn nhất vẫn là con người. Do là ngành mới, việc tuyển dụng khó hơn các ngành truyền thống. "Thông thường, chúng tôi chỉ tìm được người giỏi một thứ là game hoặc blockchain, sau đó phải mất thời gian đào tạo nửa còn lại. Trong quá trình làm, tranh cãi giữa hai nhóm cũng xảy ra liên tục. Ngoài ra, blockchain vốn là ngành công nghiệp thay đổi mỗi ngày, các nhà phát triển phải luôn trong trạng thái sẵn sàng đáp ứng với mọi diễn biến của thị trường".

Các chuyên gia bàn về trào lưu phát triển game blockchain ở Việt Nam trong CTO Talks ngày 8/10. Video: Hoàng Thanh

Một thách thức khác mà các nhà phát triển phải đối mặt là sự kỳ vọng của cộng đồng. Theo ông Phan Tùng, để cho ra được một sản phẩm tốt, nhà phát hành cần thời gian xây dựng và hoàn thiện. Tuy nhiên, sức ép từ thị trường và kỳ vọng từ người ủng hộ vô tình tạo ra tâm lý hối thúc, ảnh hưởng đến chất lượng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Trung nhận định, game blockchain đã qua giai đoạn khám phá và giải quyết các bài toán kỹ thuật cơ bản. Bài toán tiếp theo đặt ra không còn là "có thể hay không" mà chuyển sang "làm tốt đến mức nào".

Đánh giá về tiềm năng, ông Phạm Anh Tuấn, với hơn 10 năm tham gia lĩnh vực game, cho rằng game blockchain sẽ có sức sống dài hơi, tồn tại trong 10-20 năm tới. Đây không chỉ là xu hướng của ngành game hiện tại mà là hướng đi tất yếu của tương lai.

"Tương lai xa hơn của loại hình này là metaverse, nơi các thế giới game liên kết với nhau để tạo ra vũ trụ giả lập hoàn chỉnh. Thời gian tới, thị trường blockchain sẽ chứng kiến sự gia nhập của nhiều ông lớn trong ngành game truyền thống. Khi đó, chất lượng trò chơi sẽ được nâng cao rõ rệt về đồ họa và gameplay. Những công nghệ mới như VR, AR cũng được nâng cấp để người chơi có thể tương tác trong vũ trụ ảo một cách sống động", bà Thảo Trang nói.