VN-Index tăng trên 32% so với đầu năm, đặc biệt trong nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên, bước sang quý III thay vì việc các nhóm ngành liên tục đi lên, thì thị trường có sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm ngành, chu kỳ tăng giá cũng ngắn và biến động hơn.

Theo số liệu từ ông Lê Ngọc Nam  - Giám đốc phân tích Chứng khoán Tân Việt (TVSI), 6 tháng đầu năm, giá trị giao dịch bình quân của nhóm ngân hàng là 10.000 tỷ đồng/phiên, chiếm 33% toàn thị trường nhưng hiện tại giảm khoảng 50%. Tỷ lệ này ở nhóm bất động ngược lại tăng 50%. Xét về giá trị giao dịch thì dòng tiền luân chuyển từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sang các nhóm khác.

Ông Trần Minh Hoàng – Giám đốc phân tích nghiên cứu Chứng khoán Vietcombank (VCBS), VN-Index có 7 lần chạm mốc 1.400 điểm và kéo dài khoảng một quý, điều này tương ứng với 7 lần luân chuyển lớn giữa các trụ cột. Mỗi lần các trụ cột luân chuyển thì đồng nghĩa với việc các cổ phiếu vốn hóa nhỏ cũng có những thay đổi và có những đợt sóng nhất định. Sau đó, VN-Index chạm 1.400 điểm thì các trụ cột điều chỉnh và dòng tiền sẽ chuyển sang một nhóm khác.

Chương trình Talkshow Phố Tài chính ngày 15/11.

Làn sóng nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán ngày càng gia tăng với hơn 100.000 tài khoản mở mới mỗi tháng, thanh khoản liên tục tăng cao lên hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi phiên khiến cho dòng tiền luân chuyển liên tục trên thị trường. Giới chuyên môn đánh giá đó là những yếu tố giúp cho thị trường sẽ còn tăng trưởng tốt trong thời gian tới. Để giao dịch có hiệu quả lâu dài, nhà đầu tư được khuyến nghị vẫn nên lựa chọn các cổ phiếu có nền tảng tốt, có tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.

Theo Giám đốc phân tích nghiên cứu VCBS, khi nhìn nhận giai đoạn nửa đầu năm, rõ ràng thị trường có tâm lý tích cực như có hệ thống mới, triển vọng lãi suất thấp và sức hấp dẫn của thị trường. Cùng với đó, mặt bằng giá ở thời điểm đó theo đánh giá là rất hấp dẫn khiến dòng tiền tìm đến nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, tạo ra đợt sóng tăng mạnh. Chính điều này cũng kéo theo các cổ phiếu nhóm ngành khác hay các cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn tăng theo. Tuy nhiên, câu chuyên nửa cuối năm lại là ngược lại khi mặt bằng giá đã khá cao, trong khi đó, nhu cầu đầu tư vẫn đang dồi dào tạo ra một sự luân chuyển. Nhà đầu tư buộc phải tìm cơ hội với những cổ phiếu vốn hóa trung bình nhưng vẫn chứa đựng những câu chuyện riêng.

Chuyên gia đến từ VCBS đánh giá các nhà đầu tư F0 bây giờ khác với giai đoạn của 10 năm trước. Đa số nhà đầu tư có thể quản trị rủi ro. Tuy nhiên, ông Hoàng đồng ý với quan điểm vẫn có những nhà đầu tư đi theo những thông tin không chính thống và chưa có sự kiểm chứng, tiềm ẩn rủi ro lớn.

Theo ông Nam, từ tháng 7 đến thời điểm hiện tại, các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ tăng khá mạnh. Nhà đầu tư đang chạy theo các cổ phiếu có thị giá thấp hoặc có câu chuyện như hưởng lợi từ giá cả hàng hóa, đầu tư công, bất động sản sau đại dịch. Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có sức nóng nhất định.

Đánh giá thanh khoản của thị trường thời gian qua đến từ dòng tiền mới hay dòng tiền cũ đang luân chuyển, chuyên gia đến từ TVSI cho rằng trước đây mỗi tháng nhà đầu tư mở mới khoảng 20.00 tài khoản nhưng chỉ có 10 – 15% là hoạt động (active). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, số tài khoản mở mới là 120.000 đơn vị mỗi tháng và tỷ lệ active được cho rằng có thể lên đến 50 – 60% trở lên. Điều này được thể hiện bằng 2 thông số là nhiều công ty chứng khoán đã "full margin" từ quý II nhưng giá trị giao dịch hiện tại vẫn tăng rất mạnh. Thứ hai là nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ thông thường sẽ thường được áp dụng tỷ lệ margin thấp hơn so với nhóm bluechip nhưng trong giai đoạn gần đây những nhóm này tăng rất mạnh và liên tục, điều này chứng tỏ dòng tiền là dòng tiền thực.

Ngoài ra, ở thời điểm hiện tại, theo một khảo sát độ thông hiểu của các thành phân dân cư về thị trường, thì độ phủ được ông Hoàng đánh giá cao hơn trước vài lần. Đây là chỉ báo quan trọng về mức độ quan tâm của nhà đầu tư đã tăng lên, tức là có dòng tiền mới vẫn sẽ tiếp tục chảy vào.

Nhận định về sự biến động giữa các nhóm ngành với chu kỳ ngắn như vậy còn tiếp tục trong thời gian tới hay không, ông Nam cho rằng giá cổ phiếu của các nhóm ngành lớn tăng chưa tương xứng với tăng trưởng lợi nhuận. Tuy nhiên, nếu dòng tiền cứ vào thì thị trường thì tiếp tục có những đỉnh cao mới.

Còn chuyên gia của VCBS cho rằng điều quan trọng nhất để thị trường có thể bứt phá mạnh thì cần có một nhóm cổ phiếu trụ cột dẫn dắt đến từ nền tảng cơ bản. Việt Nam vẫn phải đối diện với đại dịch thì việc tìm kiếm nhóm đủ mạnh dẫn dắt thị trường là rất khó khăn. Chính điều này khiến thị trường chưa thực rõ một xu hướng tăng mạnh. Về mặt lựa chọn cổ phiếu, nhà đầu tư cần tiếp tục nâng cao kiến thức và sự hiểu biết cũng như tìm đến những nhóm cổ phiếu có các yếu tố tăng trưởng cơ bản.