Đến nay, sau hơn một tháng phục hồi sản xuất, doanh nghiệp trong các KCX-KCN đã nhanh chóng tổ chức lại hoạt động, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2021.

Hiện nay, đã có 1.355/1412 doanh nghiệp hoạt động (chiếm 96% so với số lượng doanh nghiệp hoạt động khi chưa có dịch). Hầu hết các doanh nghiệp đã kết thúc thực hiện phương án “3 tại chỗ” và thay thế phương thức sản xuất an toàn. Các doanh nghiệp liên tục bổ sung lao động để đưa dây chuyền sản xuất vào hoạt động với tổng số lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp là 230.528 người, đạt 80% tổng số lao động trong điều kiện bình thường trước đây.

Để các doanh nghiệp an tâm sản xuất, nhiều công ty phát triển hạ tầng (chủ đầu tư các KCN) đã nhanh chóng đầu tư xây dựng cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 ngay tại KCX-KCN để phục vụ cho công tác tách và điều trị F0. Hiện KCX Linh Trung 2 (phường Bình Chiểu, TP. Thủ Đức) đã hoàn thành việc cải tạo, sửa chữa, lắp đặt các trang thiết bị có quy mô 250 giường. Bên cạnh đó, chủ đầu tư KCN Đông Nam và Công ty TNHH Worldon (Việt Nam) thống nhất đề xuất thành lập Cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 tại KCN Đông Nam (xã Hòa Phú, huyện Củ Chi) có quy mô dự kiến từ 250 giường đến 300 giường. Ban Quản lý KCX-KCN phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để cập nhật diễn biến của dịch Covid-19.
Hầu hết các doanh nghiệp đã kết thúc thực hiện phương án “3 tại chỗ” và thay thế phương thức sản xuất an toàn

Ghi nhận chung tại 17 KCX, KCN có khoảng 50 ca nhiễm/ngày. Đa số các ca F0 khi phát hiện đều đang trong quá trình làm việc bình thường, không có triệu chứng, hoặc có triệu chứng nhẹ do đã được tiêm 2 mũi vaccine Covid-19 nên ít ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp. “Việc sản xuất bắt đầu khôi phục nhanh, khả quan và tích cực, trong đó có nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ lao động quay lại làm việc đạt gần 100%, nhiều nhà máy tăng tốc hoạt động hết công suất, đáp ứng nguồn cung ứng hàng hóa và giải quyết đơn hàng cho đối tác trong và ngoài nước…”, ông Trực cũng nhận định.

Hơn thế, dòng vốn FDI dần đang quay trở lại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP.HCM. Theo ghi nhận của Ban Quản lý KCX-KCN, kể từ ngày 01/10/2021 Ban đã tiếp nhận các doanh nghiệp thực hiện thủ tục điều chỉnh tăng vốn và liên hệ chủ đầu tư phát triển hạ tầng thuê thêm đất mở rộng sản xuất với tổng số vốn gần 50 triệu USD. Ngoài ra sau thời gian giãn cách xã hội, một số nhà đầu tư FDI trước đây chưa có đầu tư tại TP.HCM nay cũng sang liên hệ để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Hiện Ban Quản lý đang tiếp và hướng dẫn 1 doanh nghiệp có quy mô đầu tư lớn khoảng 200 triệu USD dự kiến thuê khoảng 15 ha tại khu công nghiệp Tây Bắc của thành phố để đầu tư dự án Pin Lithium. Lãnh đạo Ban Quản lý KCX – KCN cho biết đang cố gắng phối hợp các đơn vị đề sớm hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư để tham mưu cho lãnh đạo TP.HCM tổ chức trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhằm kích thích các hoạt động đầu tư, đặc biệt là đầu tư FDI của thành phố sau thời gian doanh nghiệp trải qua rất nhiều khó khăn khi thực hiện sản xuất trong điều kiện phòng chống dịch.

Để hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp sản xuất, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Ban Quản lý KCX -KCN TP.HCM cho biết trong thẩm quyền của mình, Ban Quản lý KCX - KCN đã đề nghị các công ty phát triển hạ tầng rà soát các chính sách thuộc thẩm quyền các KCN để hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp trong khu gặp khó khăn. Xem xét hỗ trợ giảm chi phí cho nhà đầu tư như giảm, giãn tiền thuê nhà xưởng, kho; giảm, gia hạn thời hạn thanh toán tiền thuê đất, không tính lãi chậm thanh toán; giảm, giãn các chi phí dịch vụ xử lý nước thải, thu gom rác,..; giảm, giãn phí duy tu tái tạo cơ sở hạ tầng... Bên cạnh đó, Ban Quản lý KCX - KCN cũng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại trực tuyến, cung cấp thông tin thị trường, sản phẩm để doanh nghiệp tìm kiếm và mở rộng thị trường thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

“Ngoài các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quyết định của Ban Quản lý và chủ đầu tư, công ty phát triển hạ tầng, Ban Quản lý sẽ tiếp tục phối hợp với các ngân hàng thương mại hỗ trợ vay vốn cho các doanh nghiệp có nhu cầu; Phối hợp Sở Công thương tổ chức các điểm bán hàng lưu động, bán hàng bình ổn trong KCX-KCN phục vụ công nhân; Phối hợp các sở ngành, UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức tháo gỡ khó khăn đẩy mạnh việc xây dựng nhà lưu trú, nhà ở xã hội cho người lao động làm việc tại các KCX, KCN”, ông Hưng đưa ra các kế hoạch để hỗ trợ doanh nghiệp tăng tốc sản xuất trở lại bình thường.