Gặp khó khăn do sức mua trên thị trường xuống thấp, nhiều doanh nghiệp đã quyết định cải tổ mô hình kinh doanh, xem xét lại mô hình tăng trưởng và tìm cơ hội triển khai thêm các mảng hoạt động mới.

Những thay đổi có tính bản lề trong thời gian gần đây của nhiều doanh nghiệp có thể sẽ tác động sâu sắc đến triển vọng phát triển trung và dài hạn. Điển hình, nhà bán lẻ Thế giới Di động mới đây đã công bố nghị quyết hội đồng quản trị về việc tái cấu trúc 3 công ty con và đặc biệt là thành lập thêm một công ty logistics mới. Công ty mới này sẽ tập trung cung cấp các dịch vụ vận tải, kho bãi, chuyển phát bưu điện, cho thuê kho và các dịch vụ logistics khác. Mục đích là để tối ưu hóa hoạt động của tập đoàn trong việc lưu kho, vận chuyển và giao hàng từ các trung tâm phân phối đến các cửa hàng và cung cấp dịch vụ logistics cho các khách hàng bên ngoài. Bên cạnh đó, lãnh đạo công ty cũng hé lộ ý định cho ra mắt chuỗi bán lẻ thời trang và đồ thể thao ngay trong tháng 12/2021 khi nhận định nhiều khoảng trống về thị trường thời trang sẽ xuất hiện sau dịch bệnh.

Trong khi Tập đoàn Masan cũng gây bất ngờ với thương vụ chuyển nhượng toàn bộ 100% mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi cho De Heus. Điều này giúp công ty có nguồn lực để tập trung vào mảng thịt sạch chiến lược. Ước tính của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, thương vụ M&A lần này có thể mang về cho Masan khoản lãi bất thường lên tới 4.800-5.500 tỷ đồng. “Việc bán mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi thể hiện nỗ lực của Masan trong việc tái cơ cấu danh mục hoạt động kinh doanh để trở thành công ty tập trung 100% vào các mảng kinh doanh tiêu dùng; bên cạnh việc hiện thực hóa mục tiêu này sẽ làm cổ phiếu MSN trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư”, VCSC nhận định.

Liên kết với các đối tác khác để tận dụng lợi thế của nhau là điều diễn ra ở Kido Group và Vinamilk. Hai thương hiệu lớn ngành thực phẩm và thức uống đã quyết định bắt tay nhau để thành lập liên doanh thực phẩm và đồ uống Vibev. Sản phẩm đầu tiên của liên doanh này là đậu nành tươi và sữa bắp sẽ chính thức được "lên kệ" tại các hệ thống phân phối của cả Vinamilk và KIDO trên toàn quốc.

Rõ ràng, Covid-19 đã lộ diện một số điểm yếu kém trong mô hình hoạt động của một số doanh nghiệp và đây là cơ hội để họ tái cơ cấu, vạch định ra một chiến lược phát triển rõ ràng hơn. Đồng thời, việc dứt bỏ các tài sản kém hiệu quả trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Theo dự báo của các chuyên gia, giá trị M&A năm nay có thể chỉ khoảng 4,5 tỷ USD nhưng năm sau có thể quay lại con số trên 7 tỷ USD.

Nhìn chung, 2021 là năm khá ảm đạm cho cộng đồng doanh nghiệp nhưng 2022 có thể sẽ là một bức tranh hoàn toàn khác. Quỹ đầu tư Dragon Capital dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng bùng nổ trở lại 9-9,6% vào năm sau.

Còn nhìn xa hơn trong trung và dài hạn, nền kinh tế sẽ nhận được 5 động lực tăng trưởng chính là kinh tế ổn định, dịch chuyển chuỗi cung ứng vào Việt Nam vẫn diễn ra, tăng trưởng tầng lớp trung lưu tạo ra một sức mua cực kỳ lớn trong tương lai và đầu tư công. Môi trường lãi suất thấp và các gói hỗ trợ của Chính phủ cũng sẽ thúc đẩy tiến trình phục hồi kinh tế.

Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới gần đây được nâng hạng đánh giá tích cực bởi cả ba tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế, bao gồm Moody’s, S&P và Fitch. Sức hấp dẫn của thị trường vẫn còn đó khi các nhà đầu tư nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore vẫn tìm đến các thị trường mới nổi hoặc những thị trường cận biên (frontier market) như Việt Nam để tìm kiếm lợi nhuận. Chỉ số VN-Index tăng điểm vượt trội với một số phiên giao dịch đạt giá trị hơn 2 tỷ USD cho thấy phần nào niềm tin của giới đầu tư về triển vọng phục hồi sớm của các doanh nghiệp và nền kinh tế kể từ năm sau.