Theo chuyên gia, TPHCM nên suy nghĩ đến việc tạm dừng tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em và cả kế hoạch tiêm vaccine mũi 3 cho đối tượng nguy cơ để chi viện vaccine khẩn cấp cho miền Tây chống dịch.

Tình hình dịch miền Tây rất "nóng"

Sáng 4/11, hàng loạt tỉnh miền Tây như Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau... đã báo cáo phát hiện hàng trăm ca mắc Covid-19 mới .

Theo Sở Y tế TP Cần Thơ, trong ngày gần nhất, địa phương ghi nhận 123 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới. Số ca mắc Covid-19 ở Cần Thơ từ ngày 8/7 đến nay là 8.501 ca.

Tại Kiên Giang, trong ngày 3/11 phát hiện 478 F0, trong đó có 97 ca cộng đồng, 104 ca trong khu cách ly, 277 ca trong khu phong tỏa. Tính từ ngày 21/6 đến nay, Kiên Giang ghi nhận tổng cộng lên đến 10.762 ca. 

Theo Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 An Giang , trong ngày địa phương này ghi nhận 381 trường hợp. Tổng số trường hợp mắc Covid-19 từ ngày 15/4 đến nay là 12.203 người.

Còn ở Bạc Liêu, ngày 3/11 tỉnh ghi nhận 290 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, trong đó có 96 trường hợp tại cộng đồng. Đến nay toàn Bạc Liêu có tổng cộng 3.230 ca mắc Covid-19. Trước tình hình dịch bệnh tại địa phương diễn biến rất phức tạp, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cấp tốc chi viện tỉnh 18.000 liều vaccine Pfizer và 35.000 liều vaccine AstraZeneca (trong đó có 5.000 liều do Bệnh viện Thống Nhất hỗ trợ).

Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đến hỗ trợ tỉnh Bạc Liêu chống dịch (Ảnh: BVCC).

Theo thông tin từ Sở Y tế Sóc Trăng ngày 3/11, tỉnh ghi nhận có 203 trường hợp mắc mới Covid-19. Trong đó, 102 trường hợp phát hiện qua sàng lọc tại cộng đồng, 75 trường hợp là F1 chuyển thành F0, 21 trường hợp về từ vùng dịch.

Cùng ngày, tỉnh Tiền Giang ghi nhận 207 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 55 ca trong cộng đồng. Toàn tỉnh đã có tổng cộng 17.216 F0. Đến ngày 1/11, Tiền Giang đã tiêm hơn 1.5 triệu liều vaccine phòng Covid-19, đạt 68,7% tổng số liều vaccine được phân bổ. Trong đó, số người trên 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi là hơn 376.000 người, chiếm 25,4%.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định tình hình dịch tại địa phương vẫn còn diễn biến phức tạp. Thứ trưởng yêu cầu Tiền Giang rà soát, tổng hợp và báo cáo kịp thời về nhu cầu, số lượng vaccine cụ thể dành cho từng đối tượng để Bộ Y tế có kế hoạch phân bổ kịp thời vaccine cho tỉnh triển khai tiêm.

Ngày 3/11, Cà Mau ghi nhận thêm 147 trường hợp mắc Covid-19, nâng tổng số F0 lên 2.235 trường hợp. UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh không còn "vùng xanh" cấp xã và có đến 4 xã thuộc "vùng đỏ" (cấp độ 4 - nguy cơ rất cao). 16 trường học trên địa bàn huyện Thới Bình và Đầm Dơi đã dừng dạy học trực tiếp.

Một khu cách ly, điều trị Covid-19 tại Cà Mau (Ảnh: Hoàng Lê).

Chuyên gia: TPHCM hãy nhường vaccine Covid-19 cho miền Tây

Trao đổi với Dân trí tình hình dịch bệnh ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng kiêm Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TPHCM cho rằng, phải chấp nhận việc người lao động đổ về quê theo tâm tư, nguyện vọng. Tuy nhiên việc này cũng tạo nguy cơ lây nhiễm cao.

Bằng chứng là những ngày qua, số ca nhiễm tại khu vực miền Tây liên tục được ghi nhận tăng cao. Hiện nay, một số tỉnh như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... dịch đã có dấu hiệu bùng lên, giống như TPHCM thời điểm bắt đầu làn sóng dịch thứ tư. Dù số dân ở các tỉnh không đông như Sài Gòn nên cấp độ dịch có thể nhẹ hơn, nhưng vẫn là mối lo ngại lớn.

PGS Dũng nhận định, khi tình hình dịch đã cơ bản được kiểm soát, trên tinh thần tương thân tương ái, Thành phố nên suy nghĩ việc tạm dừng các kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em hay tiêm mũi 3 cho đối tượng nguy cơ, người lớn tuổi.

Tiêm vaccine cho học sinh tại TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Thay vào đó, hãy nhường vaccine để chi viện cho miền Tây, song song với việc hỗ trợ về nhân, vật lực. Vì ít nhiều gì việc bùng dịch đang xảy ra, cũng có một phần nguyên nhân xuất phát từ việc người lao động từ TPHCM trở về.

"Ở miền Tây, việc phủ vaccine đầy đủ vẫn còn mỏng. Họ đã gồng mình chống dịch suốt thời gian vừa qua. Trách nhiệm hỗ trợ miền Tây là của cả nước, nhưng TPHCM phải là nơi thực hiện đầu tiên, vì chúng ta đã được hưởng nhiều sự ưu tiên, chi viện từ khắp nơi rồi" - chuyên gia nói.

Theo các chuyên gia, miền Tây cần điều chỉnh phương án đảm bảo công tác phòng, chống dịch phù hợp với diễn biến thực tế; tiếp tục mở rộng các khu cách ly điều trị F0 không triệu chứng, nâng cao năng lực y tế, nhất là năng lực lấy mẫu, truy vết, xét nghiệm, điều trị.

Điều quan trọng là phải đẩy nhanh tiến độ phủ vaccine phòng Covid-19 cho người dân, nhất là đối tượng có bệnh nền, nguy cơ cao, người cao tuổi.