Những con cá sư tử sặc sỡ đang trở thành mối đe dọa lớn cho hệ sinh thái ở khu vực phía tây Đại Tây Dương và vùng biển Caribe.

Cá sư tử với bộ gai độc là động vật ăn thịt có nguồn gốc từ Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ngày nay loài cá này phân bố rộng khắp từ Florida, Mỹ tới miền bắc Brazil. Chúng rất phàm ăn, từ trứng, cá nhỏ, loài giáp xác tới động vật thân mềm. Cá sư tử góp phần dẫn tới sự sụt giảm mạnh về số lượng của nhiều loài cá khác trong vùng, bên cạnh đánh bắt quá mức, ô nhiễm và biến đổi khí hậu.

"Đây là một loài cá xâm hại. Chúng không có đối thủ cạnh tranh hay động vật săn mồi", Laura Gutierrez, nhà sinh vật học người Venezuela chuyên nghiên cứu cá sư tử, cho biết. "Những người nuôi cá cảnh thả chúng đi bởi chúng ăn hết những con cá khác hoặc chúng rất khó cho ăn. Chúng ăn mọi loài cá thương mại, giáp xác, động vật thân mềm bảo vệ rạn san hô".

Cá sư tử lần đầu tiên xuất hiện ở Florida năm 1895. Sau đó, loài cá ngày bắt đầu xâm chiếm vùng biển Caribe. Nhà chức trách Venezuela đã tổ chức những cuộc thi đánh bắt cá và khuyến khích ăn thịt cá sư tử để ngăn chặn chúng phân tán rộng.

Willy Alvarez, ngư dân câu cá bằng lao ở Chichiviriche de la Costa, ngôi làng nhỏ cách Caracas khoảng 60 km về phía tây, bắt cá sư tử hàng ngày và chế biến để bán trên bãi biển cho khách qua đường. "Lần đầu tiên tôi trông thấy cá sư tử là năm 2008 hoặc 2009. Tôi bắt nó và thả vào bể thủy sinh. Tốc độ sinh sản của chúng rất đáng kinh ngạc. Cứ 3 - 4 ngày, chúng lại đẻ từ 30.000 đến 40.000 quả trứng", Alvarez cho biết.

Cách đây một thập kỷ, cá sư tử vẫn còn xa lạ ở vùng ven biển Venezuela và sự xuất hiện đột ngột của chúng khiến người dân địa phương sợ hãi. Những chiếc gai độc của chúng có thể gây đau đớn và thậm chí dẫn tới liệt. Tuy nhiên, thịt cá sư tử rất ngon trong khi gai và da của chúng có thể dùng làm đồ trang sức.