Trước tình hình dịch bệnh tại TP.HCM đang có chuyển biến tích cực, Hiệp hội văn hóa ẩm thực Việt Nam kiến nghị UBND TP cho phép các cơ sở dịch vụ ăn uống hoạt động bình thường.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hiệp hội văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA) - vừa ký văn bản gửi UBND TP.HCM và Sở Công Thương kiến nghị cho phép các cơ sở dịch vụ ăn uống trong địa bàn TP được mở cửa hoạt động bình thường.

Theo đó, hiệp hội cho biết hiện nay cả nước có khoảng hơn 550.000 cơ sở dịch vụ ăn uống, trong đó có khoảng 430.000 cơ sở kinh doanh truyền thống, trên 82.000 nhà hàng chuyên dịch vụ thức ăn nhanh, trên 22.000 nhà hàng cà phê, bar và khoảng 16.000 cơ sở dịch vụ ăn uống khác.

Tuy nhiên tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành ẩm thực và các chuỗi cung ứng trong ngành...

"Mặc dù, trong năm qua, ẩm thực là một trong những ngành kinh tế có tiềm năng tăng trưởng tốt, mỗi năm đóng góp khoảng 15% GDP cả nước, những thiệt hại kinh tế vừa qua mà dịch bệnh gây ra cho ngành ẩm thực đến nay vẫn chưa có thống kê, đánh giá cụ thể", hiệp hội nêu.

de xuat kinh doanh tai cho anh 1

Hiện nay, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã cho phép cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được bán tại chỗ. Ảnh: Phạm Thắng.

Theo Sở Công Thương TP.HCM, thành phố có khoảng 7.500 doanh nghiệp, hàng nghìn hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực ăn uống. Hình thức bán mang về và tại chỗ đã buộc tạm ngừng để phòng chống dịch suốt hơn 2 tháng qua và kéo doanh thu của ngành ẩm thực giảm mạnh.

Thống kê cũng cho thấy, doanh thu ăn uống 8 tháng qua chỉ đạt 32.075 tỷ đồng , giảm 20,3% so với cùng kỳ. Hơn nữa do kinh doanh sụt giảm nên hàng loạt doanh nghiệp ngành F&B phải đóng cửa, trả mặt bằng hoặc thu hẹp kinh doanh.

"Ẩm thực đang nằm trong nhóm ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh, đặc biệt phân khúc nhà hàng", VCCA nhận định.

Tình hình dịch bệnh tại TP.HCM đang có chuyển biến tích cực như hiện nay, do đó VCCA kiến nghị UBND TP cho phép các doanh nghiệp hoạt động bình thường trong giai đoạn "bình thường mới" và chấp hành nghiêm chỉnh quy định của Chính phủ và UBND TP sau khi bị ảnh hưởng nặng nền trong 4 tháng giãn cách xã hội.

Trước đó, ngày 22/4/2020, hiệp hội cũng đã gửi Văn bản kiến nghị Thủ tướng về 8 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ngành ẩm thực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Tại họp báo chiều ngày 18/10, Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết chưa có kế hoạch cho phép hàng quán bán tại chỗ. "Các hoạt động dịch vụ khi mở lại trên tinh thần đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, Sở Công Thương chưa nhận được thông tin về công tác mở lại, nếu có Sở sẽ thông tin sớm đến báo chí", ông Phương cho biết.

Nói thêm việc này, Phó ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM Phạm Đức Hải nhận định tất cả người dân đều mong muốn hàng quán mở lại và bán ăn uống tại chỗ như điều kiện bình thường.

Ông Hải cho biết hiện nay, theo Chỉ thị 18, TP chỉ cho phép hàng quán phục vụ bán mang về. Do đó, nếu nơi nào thực hiện điều này là chưa đúng quy định. "Các phường xã có trách nhiệm theo dõi, nhắc nhở, thực hiện đúng Chỉ thị 18. Dù chúng ta rất mong muốn nhưng còn tùy thuộc vào tình hình dịch của thành phố", ông Phạm Đức Hải nói.

  • Tp. Hồ Chí Minh

    • Diện tích: 2.095,06 km²
    • Dân số: 8.297.500 người (dân cư chính thức năm 2016)
    • Phân chia hành chính: 19 quận và 5 huyện
    • Vùng: Đông Nam Bộ
    • Mã điện thoại: 28
    • Biển số xe: 41, từ 50 đến 59