Theo Reuters, bức biếm họa của tác giả Johannes Leak trên tờ The Australian mô tả ông Biden tươi cười rạng rỡ, đứng trên bục phát biểu nói rằng: "Đã đến lúc cần phải hàn gắn một quốc gia bị chia rẽ vì phân biệt chủng tộc".

"Vì vậy tôi sẽ để các bạn lại với cô bé da nâu bé nhỏ này trong lúc tôi đi nằm", ông Biden nói trong tranh và chỉ tay về đằng sau, nơi bà Harris cũng đang nở nụ cười tương tự.

"Đó là hành động xúc phạm và phân biệt chủng tộc", ông Andrew Giles, chính trị gia của Công đảng Australia, chia sẻ trên Twitter.

Báo của tỷ phú Murdoch gây bão vì bức biếm họa Biden-Harris
Thượng nghị sĩ Kamala Harris của bang California chính thức trở thành ứng cử viên phó tổng thống cho ông Joe Biden. Ảnh: Reuters.

"Nếu báo The Australian vẫn còn có chút tôn trọng nào với sự lễ phép và các tiêu chuẩn, thì nó phải xin lỗi ngay lập tức và không bao giờ xuất bản những biếm họa như thế này nữa", ông Mark Dreyfus, cựu bộ trưởng tư pháp, cũng nói trên Twitter.

Tổng biên tập của báo, ông Christopher Dore, bảo vệ hành động của The Australian và cho biết tác giả Johannes Leak đang chế giễu ông Joe Biden chính từ những lời nói của ứng viên tổng thống Mỹ.

"Những cô gái da đen và da nâu bé nhỏ" là từ mà ông Joe Biden sử dụng chứ không phải Johannes sáng tạo ra, và được ứng viên tổng thống nói ra khi ông ấy tuyên bố bà Kamala Harris là đối tác tranh cử vào hôm qua, theo ông Dore.

Đúng là ông Biden đã sử dụng những từ ngữ này, trên Twitter hôm 13/4, tài khoản của ông Biden đăng tải thông điệp: "Sáng nay, những cô gái bé nhỏ tỉnh dậy trên khắp đất nước này - đặc biệt là những cô gái da đen và da nâu, những người thường cảm thấy bị bỏ quên và bị đánh giá thấp trong xã hội của chúng ta - có khả năng đã nhìn nhận bản thân theo một cách mới: Với tư cách là tổng thống hoặc phó tổng thống".

Tổng biên tập Dore cho biết: "Mục đích bình luận của Johannes là chế nhạo chính trị bản sắc và hạ thấp nạn phân biệt chủng tộc, chứ không phải để tiếp tục điều đó".

The Australian là tờ báo có quan điểm thiên hữu thuộc sở hữu của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch. Báo này cũng từng nhận nhiều chỉ trích sau bức tranh biếm họa mô tả cảnh Serena Williams tức giận ở trận chung kết Mỹ mở rộng 2018.