Thị trường giằng co rung lắc mạnh trong suốt phiên giao dịch và chỉ hồi phục lại vào cuối phiên sáng nhờ đà kéo của mã hàng hóa.

Đóng cửa phiên giao dịch 9/3, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 0,03 điểm lên 1.473,74 điểm; HNX-Index giảm 0,29% xuống 444,6 điểm và UPCom-Index tăng 0,67% lên 113,37 điểm. Thanh khoản toàn thị trường cải thiện mạnh lên ngưỡng cao, giá trị giao dịch 3 sàn đạt 37.000 tỷ đồng.
VN-Index tăng nhẹ 0,03 điểm lên 1.473,74 điểm.

 Nhiều cổ phiếu lớn như GAS, PLX, EIB, HPG, VJC,…đã tăng khá tốt trong phiên chiều nay. 

Đồng thời, nhiều cổ phiếu liên quan đến hàng hoá cơ bản tăng tích cực củng cố thêm cho sự hồi phục của thị trường. Nhóm cổ phiếu dầu khí ghi nhận sắc tím tại PVC và PVB, trong khi PVD, POS, OIL, PVS... tăng trên 3%. Cổ phiếu phân bón cũng trở lại đường đua khi BFC tăng trần, DCM, DPM, LAS, DGC, VAF, DDV, SFG, PSW tăng tốt.

Tâm lý tích cực cũng giúp các cổ phiếu thép (HPG, HSG, NKG, POM, TVN, VGS…) hay than (TC6, TDN,THT, TVD, MDC…) tăng trong phiên hôm nay. Nhóm cổ phiếu cảng biển thu hút dòng tiền, HAH, GMD, PDN, VSC tăng hết biên độ, sắc xanh cũng ghi nhận tại đa số mã của nhóm này.

Ngược lại, những bluechips VRE, VHM, MSN, BVH, GVR, POW bị bán mạnh, giảm điểm khiến thị trường chịu lực đè và không thể bứt phá.


PLX là 1 trong những mã cổ phiếu tác động tích cực nhất lên VN-Index.

Trong phiên hôm nay, giá cổ phiếu xăng dầu tăng khá tốt. Đơn cử như PLX, đây là 1 trong những mã cổ phiếu tác động tích cực nhất lên VN-Index. Chốt phiên PLX tăng 2,77% lên mốc 63.000 đồng/cổ phiếu. Toàn phiên có hơn 3,7 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Tính chung trong 1 quý mã này đã tăng tới 16,45% giá trị.

GAS cũng thuộc nhóm "công thần" trong phiên hôm nay với mức tăng đạt hơn 1,24% lên mốc 122.200 đồng/cổ phiếu. Mã này cũng tăng hơn 22,8% chỉ trong 1 quý.

PVS hôm nay cũng tăng khá tốt cùng khối lượng giao dịch đạt hơn 19 triệu cổ phiếu khớp lệnh. Chốt phiên PVS tăng 3,68% lên mốc 39.400 đồng/cổ phiếu.

Có thể nói, nếu như giá xăng dầu tăng chóng mặt tác động tiêu cực tới tình hình kinh tế nói chung, đời sống xã hội nói riêng thì trong bối cảnh này có không ít doanh nghiệp xăng dầu hưởng lợi bởi đà tăng của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.


Nhiều dự đoán rằng giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng cao và vượt mốc 30.000 đồng/lít.

Vào ngày 10/3, Liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Áp lực tăng giá kỳ này là rất lớn trong bối cảnh giá dầu thế giới đã xác lập mức đỉnh lịch sử. Nhiều dự đoán rằng giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng cao và vượt mốc 30.000 đồng/lít.

Đáng chú ý, mức tăng của giá xăng dầu chưa biết bao giờ hạ nhiệt trước tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Theo Oilprice, lúc 6 giờ 20 phút ngày 8/3 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 120,9 USD/thùng, tăng 1,48 USD, tương đương 1,24%. Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 123,2 USD/thùng.

Theo nhóm nghiên cứu VnDirect, giá dầu Brent tiếp tục đà tăng mạnh trong năm 2022 (tăng 30% kể từ đầu năm) và lần đầu tiên vượt mốc 100 USD/thùng kể từ tháng 9/2014 sau khi Nga tiến vào Ukraine. Tuy nhiên, dự báo là áp lực tăng giá sẽ vẫn tiếp tục duy trì trong một thời gian ngắn sắp tới, và theo quan điểm của nhóm chuyên gia này, dầu Brent có thể đạt đỉnh ở vùng giá quanh 105-110 USD/thùng. Sau đó, giá dầu sẽ dần hạ nhiệt và ổn định quanh mức 90 USD/thùng trong một vài tháng tới nhờ nguồn cung bổ sung tiềm năng đến từ Mỹ, Iran và OPEC.

Trong nước, để hạ nhiệt giá xăng dầu, bình ổn thị trường, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến phương án giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu từ ngày 1/4 đến hết năm 2022, với mức giảm 500 đồng đến 1.000 đồng so với mức kịch khung đang áp dụng. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, người dân, mức mà Bộ Tài chính đưa ra là thấp trong bối cảnh giá mặt hàng này tăng quá mạnh như hiện nay.