Dân trí

TPHCM chuẩn bị mở cửa trở lại sau ngày 30/9, các doanh nghiệp du lịch cũng bắt đầu lên kế hoạch sống chung an toàn với dịch Covid-19, từng bước phục hồi du lịch nội địa.

Thay đổi để thích ứng điều kiện mới

Phát biểu tại buổi tọa đàm quốc tế về cơ hội việc làm ngành thời kỳ hậu Covid-19 do trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn tổ chức, ông Huỳnh Chí Công, Phó Giám đốc Điều hành & Hướng dẫn viên - Công ty Du lịch Bến Thành, nhận định ngành du lịch TPHCM đã có tín hiệu tích cực đầu tiên khi thí điểm tour du lịch tri ân nhân viên y tế tại vùng xanh Cần Giờ và Củ Chi.

Theo ông, tình thế hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, lữ hành chưa thể chính thức mở cửa nhưng ông tin tưởng không còn lâu nữa.

Ông Huỳnh Chí Công cho rằng, đến khi chúng ta xem như một căn bệnh thông thường thì du lịch sẽ quay trở lại bình thường. Du lịch quốc tế thì khó, nhưng chúng ta có thể phục hồi du lịch trong nước trước.

Sau khủng hoảng ngành hiếu khách như du lịch sẽ bùng nổ mạnh - 1

Tour tri ân nhân viên y tế tại Cần Giờ, Củ Chi là tín hiệu tích cực cho ngành du lịch TPHCM (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Để triển khai dịch vụ trong giai đoạn dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát như hiện nay, ông Công cho biết các lữ hành đã nghiên cứu đến hình thức "du lịch bong bóng" như trong môn bóng đá.

Tức là khách sẽ được tổ chức đi những điểm đã đăng ký, không đi dạo phố ban đêm, không đi bar hay là la cà quán ăn như trước…

Ông Công cho biết: "Ăn cũng khuyến khích ăn trong phòng, xe chỉ chở 50% số ghế, đi du lịch với khẩu trang trên mặt...".

Bà Nguyễn Thị Trọn, Trưởng phòng Trung tâm TripU - Vietravel, cũng cho rằng dịch vụ lữ hành có thể tổ chức những đoàn khách nhỏ, rút ngắn thời gian tour, chọn những điểm đến gần nơi xuất phát, đưa quy định tuân thủ 5K vào hợp đồng…

Bà nói: "Sống chung với dịch là điều không mong muốn nhưng bắt buộc mình phải thực hiện, phải thay đổi để thích ứng".

Chia sẻ tại hội thảo, ông Hoàng Tuấn Lang, Giám đốc Điều hành khách sạn Orchids Saigon cũng cho biết nhiều cơ sở lưu trú vẫn linh động thay đổi để hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội.

Họ chuyển sang mô hình kinh doanh nhận khách cách ly y tế, nhận bác sĩ chống dịch, nhân viên áp dụng 3 tại chỗ... Những khách sạn này có nơi đạt tỷ lệ kín phòng đến 90%.

Tại các khách sạn này, nhân viên được huấn luyện để thay đổi cung cách phục vụ, tuân thủ quy định 5K để đảm bảo an toàn.

Thay vì phục vụ khách những buổi buffet, họ phục vụ bữa ăn theo combo đưa đến tận phòng. Thay vì có nhân viên dọn phòng thì khách sạn cung cấp các vật dụng cần thiết tại 1 bàn nhỏ đặt trước cửa phòng…

Theo ông Hoàng Tuấn Lang, khi du lịch trở lại, ngành lưu trú hoàn toàn có thể ứng dụng những thay đổi này để phục vụ khách, chung sống an toàn với dịch Covid-19.

Sau khủng hoảng ngành hiếu khách như du lịch sẽ bùng nổ mạnh - 2

Du lịch phải thay đổi mô hình hoạt động thích ứng với điều kiện mới, sống chung an toàn với dịch Covid-19 (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Chuẩn bị nhân lực cho hậu Covid-19

Trao đổi tại hội thảo, hầu hết đại biểu đều có niềm tin ngành du lịch sẽ sớm phục hồi. Trước mắt là phục hồi du lịch nội địa trong năm 2022, sang năm 2023 sẽ phục hồi du lịch quốc tế.

Theo ông Trần Anh Tuấn (người xây dựng chuỗi nhà hàng Bò Cộng Saigon), trong năm 2022, doanh nghiệp có thể hoạt động chỉ để tồn tại, duy trì hệ thống. Nhưng đầu năm 2023 trở đi, ngành này sẽ có hội phát triển rất lớn.

Ông chia sẻ: "Anh em ngành ăn uống đều tin là sau khủng hoảng thì ngành hiếu khách như du lịch, lữ hành, nhà hàng, khách sạn sẽ là một trong những ngành bùng nổ mạnh nhất".

Bà Nguyễn Thị Trọn cũng tin tưởng nhu cầu du lịch sẽ tăng đột biến vào năm 2022, trước hết là ở mảng nội địa.

Thạc sĩ Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM cũng tin tưởng ngành du lịch sẽ sớm phục hồi trong năm sau.

Bởi du lịch là một trong 3 ngành chiến lược của kinh tế Việt Nam, là mũi nhọn thúc đẩy kinh tế quốc gia phát triển, chắc chắn sẽ được đầu tư nhiều nguồn lực để sớm phục hồi.

Sau khủng hoảng ngành hiếu khách như du lịch sẽ bùng nổ mạnh - 3

Theo chuyên gia, du lịch sẽ là ngành trọng điểm được đầu tư để phục hồi sau dịch Covid-19.

Tiến sĩ Vũ Khắc Chương, Hiệu trưởng Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn cũng đồng tình. Theo ông, để đón đầu làn sóng khôi phục nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới thì du lịch vẫn là ngành mũi nhọn.

Điều Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM lo lắng là ngành du lịch sẽ gặp khó khăn khi đối mặt với tình trạng khủng hoảng nhân sự hậu Covid-19. Bởi qua 2 năm ảnh hưởng vì dịch, nhiều lao động ngành du lịch phải chuyển nghề và có thể sẽ bỏ nghề.

Tình trạng này hầu như các doanh nghiệp du lịch đều biết, nhưng chỉ những doanh nghiệp có tiềm lực mới chuẩn bị được kế hoạch ứng phó.

Như tại công ty Du lịch Bến Thành, suốt 2 năm ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19, họ vẫn kiên trì trả lương để giữ lại đội ngũ nhân sự lành nghề, chuẩn bị sẵn sàng khi hết dịch.

Ông Huỳnh Chí Công cho biết, các doanh nghiệp lớn kiên trì giữ chân nhân sự, chuẩn bị nhiều chương trình để bung ra khi phục hồi sinh hoạt bình thường.

Nhưng với các doanh nghiệp nhỏ, họ phải đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc, thậm chí là giải thể. Khi du lịch trở lại, họ sẽ khó xây dựng được đội ngũ lành nghề trong thời gian ngắn để tiếp tục công việc.

Sau khủng hoảng ngành hiếu khách như du lịch sẽ bùng nổ mạnh - 4

Sau Covid-19, ngành du lịch có nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn.

Tiến sĩ Vũ Khắc Chương nhận định, ngành du lịch thời kì hậu Covid-19 vừa mang tính cơ hội nhưng cũng là thử thách lớn cho các doanh nghiệp, chúng ta nên có dự báo về nguồn nhân lực sắp tới, cũng như đưa ra nhiều mô hình, chương trình hành động mới mẻ hơn.

Tùng Nguyên